Chấm dứt "xin- cho", giảm chi phí "dưới gầm bàn" cho doanh nghiệp

ANTĐ - Phát biểu tại hội thảo: “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới góc nhìn doanh nghiệp” diễn ra ngày 11-7, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho rằng, việc xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần giảm chi phí không chính thức và giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không có cơ chế “xin – cho”.

Tránh hỗ trợ dàn trải cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Chủ tịch VCCI, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng những chương trình trên còn tản mạn, nguồn lực hạn chế, tính hỗ trợ chưa cao… nên ít có hiệu quả.

“Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời là động lực để đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp như Chính phủ đã đề ra. Xây dựng Luật này phải thúc đẩy được phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa  hiện có phát triển và kinh doanh bài bản hơn. Cần hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hỗ trợ, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không có cơ chế “xin-cho”; thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp tới doanh nghiệp, không đẻ thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Số liệu thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, 97,5% tổng số doanh nghiệp hiện nay là vừa và nhỏ. Khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định đối tượng áp dụng đối với Luật này là “Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp”. Vì vậy, luật sư Trương Thanh Đức-  Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basisco cho rằng: “Việc quy định hỗ trợ cho quá nhiều doanh nghiệp là không hợp lý. Và càng bất hợp lý hơn khi đặt ra các hỗ trợ với mức cào bằng như nhau, không hề có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp có quy mô doanh thu gần 100 tỷ đồng với đa số doanh nghiệp còn lại chỉ có doanh thu 10 tỷ đồng, thậm chí ước tính vài chục phần trăm chỉ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm”.

Theo vị luật sư này, do nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất vừa và nhỏ”, nên cũng cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ, để bảo đảm hiệu quả, khả thi. Trong đó, tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng doanh thu và hoặc từ 20 – 30 lao động trở xuống), vì đây là nhóm doanh nghiệp rất yếu thế, gặp nhièu khó khăn, lúng túng, vướng mắc.

“Không nên hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp vừa hoặc chỉ hỗ trợ một phần nhỏ, ngoại trừ một số lĩnh vực hoặc trường hợp đặc biệt, vì là nhóm ở giữa, tương đối bình thường. Giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, với doanh nghiệp vừa, có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô, nên không thể hỗ trợ cào bằng như nhau”- ông Trương Thanh Đức nói.

Một lý do nữa không nên hỗ trợ doanh nghiệp vừa, là sẽ dẫn đến tác dụng ngược, bất lợi cho sự phát triển của nền kinh tế, vì doanh nghiệp vừa thuộc loại lớn nhất cũng được hỗ trợ giống như nhóm doanh nghiệp nhỏ nhất, như Dự thảo Luật, trong đó có việc giảm thuế thu nhập so với doanh nghiệp lớn, thì sẽ đồng nghĩa với việc khuyến khích doanh nghiệp giữ nguyên ở quy mô doanh nghiệp vừa để hưởng nhiều ưu đãi, không phát triển được các doanh nghiệp lớn mạnh.

Góp ý cho dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, Chính phủ mới có rất nhiều hoạt động quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Thực tế cho thấy, nếu không làm chặt chẽ thì sinh ra tiêu cực, cơ chế xin – cho nên cần có Luật Công chức”- đại diện doanh nghiệp nói.