Chấm dứt xét tuyển đại học kiểu sàn chứng khoán

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khuyên các thí sinh THPT quốc gia phải cân nhắc kỹ các nguyện vọng sau khi Bộ bỏ quy định cho phép thí sinh rút hồ sơ trong đợt xét tuyển đầu tiên để chuyển sang trường khác như năm ngoái. 

Thí sinh cần cân nhắc kỹ nguyện vọng xét tuyển vì không có quyền thay đổi

Không cho rút hồ sơ

Năm ngoái, các thí sinh có thể biết ngay mình đỗ hay trượt trong những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển và có thể rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Tuy nhiên, năm nay, quy định này đã bị bãi bỏ. Quyết định này của Bộ GD-ĐT là hợp lý bởi việc rút - nộp hồ sơ lộn xộn năm trước đã gây ra rất nhiều bức xúc cho xã hội, gây ra những tình huống “dở khóc dở cười” khi thí sinh và phụ huynh phải chầu chực, nơm nớp lo mình bị loại dù điểm cao.

“Năm nay, Bộ không cho phép thí sinh rút hồ sơ trong đợt xét tuyển đầu tiên. Việc thí sinh chỉ được phép đăng ký 2-3 trường đồng nghĩa là phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu không thận trọng thì điểm cao vẫn sẽ bị trượt” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh. Với thay đổi này, thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển trực tuyến cũng sẽ không được cung cấp thông tin hàng ngày về số thí sinh đăng ký cũng như mức điểm đi kèm. “Các trường đại học, cao đẳng sẽ không công bố danh sách trúng tuyển tạm thời, cập nhật liên tục như năm trước để tránh làm thí sinh hoang mang rút - nộp hồ sơ liên tục như các năm trước” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích.

Năm nay, theo quy định mới, các trường tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải công bố phương thức tiếp nhận đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển. Thí sinh có thể nộp đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển trực tuyến hoặc qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh.

Trường có thể quy định thêm phương thức tiếp nhận đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển của thí sinh phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không được gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GD-ĐT không khuyến khích các trường nhận hồ sơ trực tiếp để tránh hiện tượng lộn xộn, thí sinh ở xa phải đến các thành phố lớn gây tốn kém, vất vả. Các em nên nộp trực tuyến hoặc qua bưu điện”.

Đăng ký trực tuyến kết thúc sớm 1 ngày

PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2015, thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1 là 20 ngày thì năm nay, con số này giảm gần một nửa. Ngoài ra, thời gian xét tuyển trực tuyến sẽ kết thúc sớm hơn 1 ngày để đề phòng trường hợp thí sinh gặp trục trặc trong quá trình đăng ký trực tuyến thì còn xử lý kịp thời trước khi hết thời hạn đăng ký xét tuyển đợt 1.

Trong quá trình xét tuyển, thí sinh phải xác định được ngành nghề mình yêu thích, sau đó căn cứ vào kết quả học tập, kết quả thi, so với kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường để nộp hồ sơ vào các trường, nhóm trường phù hợp. Sau đó, thí sinh chờ kết quả từ nhà trường thay vì phải theo dõi số lượng thí sinh nộp vào trường như năm trước. Sau khi báo kết quả, nếu trúng tuyển và quyết định nhập học, thí sinh nộp giấy báo kết quả thi cho trường.

Thí sinh cần lưu ý, từ ngày 1 đến 12-8-2016, các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1. Thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Trước ngày 25-8, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Những trường hợp chưa trúng tuyển nguyện vọng 1 có thể đăng ký xét tuyển bổ sung với thời hạn từ ngày 25-8 đến hết 15-9.

Điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ được công bố trước ngày 20-9. Từ ngày 20-9 đến hết 5-10, các trường sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2, công bố kết quả trước ngày 10-10. Từ ngày 10 đến hết 25-10, sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3, công bố kết quả trước ngày 31-10. Các nguyện vọng xét tuyển bổ sung đợt 4 kết thúc trước ngày 20-11.