Chấm dứt tập viết ở mầm non

ANTĐ - Ngày 22-8, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT cho biết, ngay trong năm học mới này, các Sở GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm tra việc học trước chương trình lớp 1, cho trẻ tập tô, tập viết chữ trong các trường mầm non. 

Chấm dứt tập viết ở mầm non ảnh 1
Quản lý chặt tài liệu, học liệu góp phần hạn chế việc bắt trẻ mẫu giáo tập tô, tập viết chữ

- PV: Chỉ thị mới đây của Bộ GD-ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1 ở bậc học mầm non đang khiến các địa phương băn khoăn khi yêu cầu không cho trẻ tập tô, tập viết chữ. Ông có thể cho biết vì sao lại có quy định này?

- Ông Nguyễn Bá Minh: Với chương trình mầm non cũ, trẻ mẫu giáo có một số giờ tập tô, tập viết chữ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục thì hình thức này không còn phù hợp với lứa tuổi này. Gây mỏi mệt, căng thăng cho trẻ. Trẻ lứa tuổi mẫu giáo cần được dành thời gian để phát triển các kỹ năng khác cần thiết hơn. 

- Nhưng việc rèn cho trẻ làm quen với viết chữ để chuẩn bị vào lớp 1 là cần thiết?

- Đúng là trong chương trình giáo dục mầm non có đưa ra yêu cầu trẻ phải tập tô, tập viết nét chữ nhằm  hoàn thiện các yếu tố cơ bản tạo tiền đề cho việc viết chữ sau này khi vào tiểu học như hình thành biểu tượng về các nét chữ, hình thành tri giác vận động... Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, việc yêu cầu tính kỹ thuật chuẩn xác khi tô, viết chữ vở ô ly khiến trẻ mệt mỏi, mất hứng thú học tập và không phù hợp với lứa tuổi mẫu giáo. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn các hình thức khác để rèn luyện kỹ năng thích ứng với việc viết chữ khi vào tiểu học. Chính vì vậy, thay vì bắt trẻ tập tô, viết chữ, các trường sẽ đưa vào các hoạt động tạo hình.

-  Các trường mầm non phản ánh khó khăn vì chưa biết lấy đâu ra  học liệu để triển khai hoạt động tạo hình thay vì tập tô, tập viết chữ ? 

- Vật liệu xung quanh ta rất đa dạng. Các cháu có thể thực hiện tạo hình trên cát, trên giấy để tạo hình các nét thẳng, nét cong, hình tròn... một cách rất thoải mái, gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Khảo sát thực tế cho thấy trẻ rất háo hức với hoạt động này và kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đây chính là thời điểm tốt nhất để trẻ hình thành các kỹ năng như đã nói. Hiện nay, Vụ Giáo dục Mầm non đang hoàn thành hướng dẫn chương trình giáo dục trẻ 5 tuổi, trong đó sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện yêu cầu này ngay trong năm học 2013-2014.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT

- Tình trạng dạy trước chương trình lớp 1 vẫn khó kiểm soát, nhất là trong các cơ sở mầm non ngoài công lập. Vậy Bộ có biện pháp gì để các trường thực hiện đúng yêu cầu không dạy trước chương trình lớp 1?

- Rõ ràng việc tập tô, tập viết các chữ cái dưới dạng kỹ thuật đã bị nhiều trường mầm non lạm dụng. Điều này có một phần nguyên nhân liên quan đến kỳ vọng của phụ huynh. Các bậc phụ huynh lúc nào cũng muốn con mình hơn con người khác mà không nhận thức dược rằng việc này rất có hại cho trẻ khi cho trẻ học trước chương trình. Hiện chúng tôi đã yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng, các trường tiểu học, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để cha mẹ học sinh và xã hội nhận thức đúng đắn về tác hại của việc dạy học trước chương trình lớp 1.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các Sở tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, giám sát chặt việc dạy học trước chương trình lớp 1, trong đó có việc yêu cầu trẻ mẫu giáo tập tô, tập viết chữ. Thực tế cho thấy tình trạng dạy trước chương trình đã được cải thiện nhiều. Chỉ thị  2325 của Bộ GD-ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy trước chương trình lớp 1 của Bộ GD-ĐT là chế tài mạnh để các cơ sở thực hiện. Tôi tin chắc rằng nếu các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị này thì tình trạng lạm dụng tập tô, tập viết chữ sẽ được cải thiện ngay trong năm học này.