Chấm dứt dạy thêm: Tham vọng thiếu thực tế

ANTĐ - Ở bậc tiểu học, Hà Nội và nhiều địa phương khác quy định rõ việc cấm dạy thêm các môn văn hóa. Tuy nhiên, vào năm học chưa đầy nửa tháng, nhiều bậc phụ huynh đã nhận được đề nghị của cô giáo cho con tới lớp học thêm ngoài nhà trường. Quy định cấm dạy thêm với bậc tiểu học có vẻ như đã mất hiệu lực.

Học thêm tràn lan nếu phụ huynh không có chính kiến

Chênh lệch lớn thu nhập 

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng Bộ GD-ĐT thiếu thực tế với tham vọng việc thay đổi chương trình-sách giáo khoa mới có thể chấm dứt dạy thêm học thêm tràn lan vì tinh giảm nội dung kiến thức, bớt quá tải cho thầy và trò. “Dạy thêm học thêm có rất nhiều nguyên nhân. Thực tế cho thấy, không phải dạy thêm do chương trình quá tải mà vì túi các thầy cô quá ít, cần kiếm thêm để đủ sống” – GS Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn nêu ý kiến.

Quả thực nhiều phụ huynh băn khoăn khi phải quyết định có cho con đi học thêm hay không dù mới vào năm học được 2 tuần. “Cô giáo chủ nhiệm gọi điện thoại cho tôi thông báo cho con đi học tăng cường sau giờ học trên lớp. Tôi không hiểu rõ lắm học tăng cường là như thế nào với các con lớp 3, lớp 4. Nếu đi học, con sẽ phải học thêm một tuần 2 buổi, mỗi buổi tiền học phí là 120.000 đồng” – một phụ huynh cho biết. Sau khi cộng trừ, vị phụ huynh này tính ra nếu con mình mỗi tháng đóng cho cô xấp xỉ 1 triệu đồng, mà cả lớp có hơn 50 học sinh, thì hàng tháng cô giáo có thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc dạy thêm. “Mỗi buổi học thêm, tôi hỏi các con học như thế nào thì chúng nói được cô phát 2 tờ phôtô Toán và Tiếng Việt. Khi nào làm xong thì nộp cho cô chấm điểm. Bài nào nhiều bạn sai thì cô sửa trên bảng. Công việc như vậy nhưng thu nhập mỗi buổi học là vài triệu đồng thì giáo viên nào không muốn dạy thêm?” – vị phụ huynh này phân tích.

Cần chính kiến từ phụ huynh 

Với đồng lương từ việc dạy học ở trường chỉ trong khoảng 3-5 triệu đồng/tháng, các cô giáo tiểu học khó đảm bảo được đời sống. Một giáo viên tiểu học cho biết, cô cũng không muốn dạy thêm nếu mức lương phù hợp với sức lao động bỏ ra. “Giáo viên THCS, THPT chỉ phải dạy một buổi/ngày và được cấp phép đi dạy thêm. Trong khi đó, giáo viên tiểu học chỉ được trả một khoản nhỏ tiền dạy học 2 buổi cộng với lương thì chúng tôi không thể đủ trang trải cho gia đình mình”. 

Trước nhu cầu thực tế này, việc cấm dạy thêm ở bậc tiểu học chỉ là quy định trên văn bản. Những nhóm học thêm bên ngoài nhà trường vẫn âm thầm hoạt động. Có một điều ai cũng nhận thấy việc dạy thêm, học thêm không chỉ xuất phát từ phía người dạy mà còn từ nhu cầu của phụ huynh học sinh. Với một lớp học lên tới hơn 50 học sinh, việc bám sát từng cháu để bổ sung kiến thức, giảng giải đầy đủ cho mỗi em là nhiệm vụ “bất khả thi” với giáo viên. Chính vì vậy, nhiều bậc phụ huynh thực sự muốn cho con học thêm, ôn lại kiến thức khi mà bản thân không có điều kiện học cùng con sau giờ học ở trường. “Riêng với việc học thêm của con, tôi có chính kiến rất rõ ràng. Cô chủ nhiệm có hỏi tôi về việc học thêm của con, tôi thẳng thắn nói với cô rằng điều này chưa cần thiết với con mình. Còn nếu học tiếng Anh, học thêm Văn, Toán theo nhu cầu của con thì tôi sẽ đăng ký với những lớp và giáo viên nào mà tôi thấy phù hợp” – chị Nguyễn Mai Ninh, phụ huynh học sinh trường tiểu học Khương Thượng cho biết.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nhận định, dạy thêm không phải là xấu, xấu là ở chỗ dạy thêm tràn lan. Vậy ở đây, phụ huynh học sinh sẽ là người góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan khi mạnh dạn đưa ra chính kiến của mình.