“Chấm điểm” trách nhiệm

ANTĐ - Một trong những điều tiến bộ trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi là, ngay từ khi lập dự toán Ngân sách Nhà nước đã có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Bởi hiện nay, sử dụng ngân sách có nhiều bất cập, nhất là tình trạng rất nhiều khoản thu của ngân sách nằm ngoài ngân sách và rất nhiều khoản chi của ngân sách lại chi ngoài ngân sách. Đặc biệt là tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát và lãng phí. Không chỉ lãng phí trong chi tiêu ngân sách mà lãng phí cả trong quy hoạch, dự án. 

Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Đầu tư công bao quát việc quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công. Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư nhận xét, hiện nay, nhiều bộ, ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ. Từ đó, quyết định các dự án có quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành, địa phương mình. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, cần xác định cụ thể trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán, không cân đối được nguồn vốn, gây thất thoát, lãng phí.

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội dành hẳn một phiên họp để “chấm điểm” việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn tại ba kỳ họp trước đây. Tại kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng Công Thương đã trả lời chất vấn về vấn đề thủy điện và sẵn sàng nhận trách nhiệm. Khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã bình luận rằng, một trách nhiệm phải được nhìn nhận đầy đủ, rạch ròi, từ trách nhiệm thiết kế, nghiệm thu đã xử lý đến đâu? Các cơ quan Nhà nước đã thanh tra, kiểm tra, kết quả như thế nào? Trước kỳ họp này, Bộ trưởng Công Thương cũng đã giải trình một số vấn đề về thủy điện. Ông thanh minh rằng, quy hoạch thủy điện là quy hoạch chung của cả nước, chứ không phải là quy hoạch riêng của Bộ Công Thương. “Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác”, ông nói. Một đại biểu Quốc hội đã lên tiếng thẳng thắn: Bộ trưởng báo cáo Quốc hội những vấn đề về quy hoạch thủy điện nên rõ ràng chứ không nên “đá bóng” như thế. 

Điểm nhấn nổi bật và cũng là nội dung đổi mới quan trọng của dự thảo Luật Đầu tư công là hạn chế, tiến tới chấm dứt đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Quốc hội khóa XIII đã trải qua 6 kỳ họp. Tất cả các kỳ họp không chỉ các đại biểu Quốc hội mà cử tri cả nước đều đặt trên bàn nghị sự trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Đây có thể coi là cuộc “sát hạch, chấm điểm” trách nhiệm của các “tư lệnh” ngành.