"Chấm điểm" an toàn thực phẩm

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Bộ Tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại địa phương và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô. 

Đây được coi là “thước đo” để đánh giá địa phương, cơ sở nào làm tốt, chưa tốt đồng thời giúp người tiêu dùng, nhất là du khách thập phương “nhận mặt” những địa chỉ cung cấp thực phẩm an toàn. Với Bộ Tiêu chí này, liệu nỗi lo thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn có giảm bớt để mọi người có thể yên tâm, “yên dạ”?

Trong 8 tháng qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra hơn 40.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, có khoảng 86% cơ sở đảm bảo các tiêu chí, 14% cơ sở chưa đạt yêu cầu, xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm gần 1,9 tỷ đồng. Theo phân cấp quản lý, tuyến quận/huyện/ thị xã và xã/phường/thị trấn có hẳn Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý ở cấp cơ sở, nhất là ở xã, phường khá lỏng lẻo. Bản thân lãnh đạo xã, phường chưa để mắt, chú tâm thực sự đến an toàn thực phẩm, chưa nắm chắc những quy định thì ở dưới sẽ hoạt động như thế nào? Hoạt động quản lý bởi thế chỉ nặng về tuyên truyền, còn việc bố trí, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xác định lỗi vi phạm, xử phạt hành chính hầu như được chăng hay chớ, thậm chí “đánh trống bỏ dùi”. 

Trước thực trạng này, Hà Nội ban hành Bộ Tiêu chí chấm điểm an toàn thực phẩm với thang điểm tối đa là 100. Theo đó, những quận/huyện/thị xã hoặc xã/phường đạt 100 điểm trở lên sẽ được xếp hạng xuất sắc; đạt từ 90 đến dưới 100 điểm được xếp hạng A (tốt); từ 70 đến 89 điểm được xếp hạng B (khá); từ 50 đến dưới 70 điểm được xếp hạng C (trung bình).

Như vậy là, người tiêu dùng có thể yên tâm bước vào các cơ sở kinh doanh ẩm thực đã được xếp hạng, được công bố công khai. Nói cách khác, tới đây, người dân Hà Nội, du khách trong và ngoài nước không phải băn khoăn khi thưởng thức các món ăn đường phố la liệt khắp mọi tuyến đường, xóm ngõ. 

Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, Hà Nội hiện có tới gần 60.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, hơn 450 chợ, chưa kể hàng trăm người kinh doanh nhỏ lẻ, thường xuyên di động trên đường phố, thì làm sao quản lý theo Bộ Tiêu chí? Hơn thế, nếu lấy Bộ Tiêu chí đó làm “thước đo” an toàn thực phẩm thì đương nhiên thực khách chẳng dại gì bước vào những cửa hàng, cửa hiệu bị xếp hạng B, C.

Ẩm thực đường phố Hà Nội là một trong những đặc sản hấp dẫn, thu hút khách du lịch và đã được các tổ chức du lịch có uy tín xếp hạng. Bộ Tiêu chí chấm điểm an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết, song vẫn chưa đủ nếu không kèm theo những biện pháp cứng rắn, quyết liệt từ các cấp, các ngành. “Xếp hạng” A, B, C, D thì dễ nhưng làm sao phải đảm bảo an toàn thực phẩm, những thứ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người mới là khó.