Chậm đi vào cuộc sống

ANTĐ - Nhiệm vụ của Quốc hội từ nay đến năm 2015 là phải rà soát lại toàn bộ những luật đã ban hành từ năm 2010 xem cái nào chưa được thi hành. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh như vậy trong phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông yêu cầu phải làm rõ, rà soát lại xem bao nhiêu luật ban hành nhưng đến nay vẫn chưa đi vào cuộc sống, xác định trách nhiệm ở đâu.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ khó khăn với các bộ, ngành về sự chậm trễ cụ thể hóa các chủ trương. Có lý do chậm vì do chủ trương đưa ra đúng nhưng để đi vào cuộc sống không dễ dàng. Có khó khăn do khách quan, do phải thận trọng lắng nghe từ thực tiễn. Tuy nhiên, còn một lý do quan trọng mà theo quan sát của nhiều đại biểu Quốc hội, đó là vì tinh thần phối hợp chưa cao giữa các bộ, ngành và kỷ cương hành chính, kỷ cương bộ máy còn lỏng lẻo khiến chính sách luôn trong tình trạng phải đuổi theo cuộc sống và không ít khi bị hụt hơi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất, ngay tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 10-2013, cần dành thời gian xem xét thấu đáo, thống kê sơ bộ có bao nhiêu luật mới hiện vẫn nằm trên giấy. Để luật có tính khả thi cao, một số ủy viên Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần dành thời gian thỏa đáng để có thể đi đến cùng trong các buổi thảo luận về những nội dung còn có những ý kiến khác nhau đối với Luật Đất đai (sửa đổi), sửa đổi hiến pháp năm 1992. Theo ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, không dành nhiều thời gian cho hai vấn đề quan trọng này thì dù phát biểu xong cũng giải quyết được vấn đề. Ngay cả thời gian thảo luận ở tổ cũng cần tăng lên để đại biểu nào cũng có điều kiện phát biểu, bởi vì thảo luận tại hội trường với gần 500 người nghe, như một số đại biểu Quốc hội ví như “làm văn” tập thể.

Trên thực tế, không ít chuyên gia, luật gia đã thẳng thắn chỉ rõ thực trạng chính sách chậm đi vào cuộc sống, thậm chí gần như vô hiệu hóa. Có những chính sách, văn bản dưới luật ra đời hàng tháng trời hoặc cả năm trong khi luật, nghị định đã có hiệu lực trước đó rất lâu. Đó là chưa kể sự phối hợp thiếu chặt chẽ, nhiều khi “đá nhau” giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành, cấp cơ sở ở địa phương. Phân tích rất sâu sắc tình trạng trục trặc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, sự phối hợp giữa các bộ thời gian qua xảy ra những cuộc tranh luận gay gắt, trái chiều, một mặt cho thấy, không khí dân chủ, bảo vệ quan điểm tạo thuận lợi cho dân, song mặt khác cũng thể hiện hạn chế do sự khác biệt giữa các bộ của Chính phủ khi đưa ra chính sách. Có khi trong một tuần, một tháng mà các cán bộ đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một chính sách, chứng tỏ thiếu tầm nhìn, thiếu sự phối hợp trong tư duy quản lý, điều hành.

Luật, chính sách chậm đi vào cuộc sống hoặc “đuổi theo” không kịp, đã được Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn, nghiêm khắc chỉ rõ. Chậm ngày nào thì doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế thêm khó khăn, thiệt thòi ngày đó. Cuộc sống, nền kinh tế, thị trường không thể dừng lại để chờ chủ trương, chính sách, luật pháp.