Phát triển giao thông đô thị bền vững:

Chậm còn hơn không

ANTĐ - Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm đến phát triển đô thị gắn liền với an toàn giao thông một cách bền vững. Nếu không có những bước đi phù hợp, tình trạng ách tắc giao thông sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai,  đặc biệt tại những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Cần gắn phát triển đô thị với giao thông bền vững

Đường bộ nguy hiểm nhất khu vực

“Một nghiên cứu mới đây cho thấy, cơ sở hạ tầng giao thông (GT) đô thị của Việt Nam phát triển chậm hơn kinh tế ít nhất 15-20 năm. Hậu quả trước mắt của sự chậm chạp trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách không đồng bộ là sự ùn tắc và mất ATGT trong các đô thị ngày càng gia tăng. Điều này đòi hỏi việc quy hoạch và phát triển đô thị ở Việt Nam phải hướng tới bền vững”. Là nhận định của PGS Lưu Đức Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng.

Theo PGS Lưu Đức Hải, quy hoạch GTĐT bền vững ở Việt Nam còn bộc lộ nhiều yếu kém. Cụ thể như, quỹ đất dành cho GT nội thị ở các đô thị lớn quá thấp. Tỷ lệ giữa diện tích đường GT so với tổng diện tích của các quận nội thành ở Hà Nội là 3,5%, chỉ số chung cho các nước tiên tiến là 20-25%. Trong khi đó, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của Hà Nội lại quá nhanh mà tỷ lệ đảm nhận của phương tiện công cộng lại thấp. “An toàn giao thông là một trong những vấn đề bức xúc nhất ở Việt Nam. Tỷ lệ tai nạn ở Việt Nam so với các nước khác là rất cao. Việt Nam là một trong những nước có môi trường đường bộ nguy hiểm nhất Đông Nam Á và trên thế giới”.

Cùng chung nỗi lo này, PGS Doãn Minh Tâm, Viện Khoa học và công nghệ GTVT đưa ra những con số dự báo. Theo chiến lược phát triển GTVT quốc gia, đến năm 2020 cả nước sẽ đạt 36 triệu xe mô tô, xe máy và khoảng xấp xỉ 3 triệu xe ô tô, trong đó, xe con chiếm khoảng 50%, xe khách 17% và 33% là xe tải. Hà Nội hiện có khoảng 4.000km đường, chiếm 6-7% diện tích toàn TP. Với sự gia tăng hàng năm 10-12% phương tiện cá nhân, hiện nay các tuyến đường đô thị đang bị quá tải bởi gần 400.000 ô tô các loại cùng với gần 4 triệu xe máy và 1 triệu xe đạp. Vào giờ cao điểm, mức phục vụ và khả năng thông hành của các trục đường và các nút giao thông trong đô thị đều đang quá tải, do đó thường xuyên xảy ra ách tắc. Hầu hết các tuyến đường không có đất dự trữ, đường tới đâu, hàng quán, nhà cửa cư dân hai bên san sát tới đó. Trong thời gian tới, nếu không có các giải pháp mạnh mang tính đột phá thì nhiều đường phố chính của Hà Nội sẽ luôn ở tình trạng quá tải, kể cả không phải giờ cao điểm.

Hạ tầng có đến đâu dùng đến đấy

Dù rằng, Bộ, ngành, địa phương đều có những giải pháp tình thế cũng như lâu dài tiến tới giảm ùn tắc giao thông, nhưng dường như vẫn chưa thực sự đủ mạnh. Thống kê của PGS Doãn Minh Tâm cho thấy, về phía Bộ GTVT cũng đã có đến 8 biện pháp, phía Sở, ngành Hà Nội thì có đến 13 biện pháp để giải quyết tình trạng trên, song, ùn tắc giao thông vẫn không được giải quyết. Bởi, trong một loạt các giải pháp đã áp dụng, chưa có giải pháp nào mang tính đột phá. “Các giải pháp đưa ra trong khi khâu chuẩn bị điều kiện cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ… chưa sẵn sàng. Người dân không tìm thấy sự thuận tiện của các phương tiện khác bằng xe cá nhân nên chưa sẵn sàng từ bỏ”, PGS Doãn Minh Tâm nói.

Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, tình trạng ùn tắc giao thông, giao thông mất an toàn như hiện nay là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển dài lâu. Số liệu khảo sát cho thấy, tỷ lệ dân số trên diện tích đường tại Hà Nội đạt 0,15m2/người, trong khi đó, để đảm bảo giao thông, tỷ lệ này phải đạt từ 0,4-0,5m2/người. Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Nghiêm không tán thành các phương án đều hướng tới mở rộng đường sá để đạt tỷ lệ 20% như chuẩn thế giới sẽ vô cùng tốn kém. Và, để làm được như vậy thì phải mất 1.600.000 tỷ đồng cho GPMB. “Chúng ta có điều kiện đến đâu phải nghĩ ra những giải pháp phù hợp đến đó. Đất dành cho GT trong các đô thị lớn như Hà Nội không còn nhiều, thậm chí là không có dư thừa, vì vậy, chúng ta không thể cứ đòi hỏi  đất dành cho GT phải chiếm 20% được. Phải nghĩ ra những giải pháp đồng bộ để làm phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện có”, ông Nghiêm cho biết.