Tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT 2011 cao:

Chấm chéo bị vô hiệu hóa?

(ANTĐ) - Không tránh khỏi bức xúc và thậm chí là phẫn nộ, một giáo viên môn Văn trường THPT chuyên Tiền Giang đã gửi cho báo chí thông tin về “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn Ngữ văn” ngày 5-6 theo tinh thần cuộc họp triển khai đáp án của 11 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 5-6-2011 tại TP Cần Thơ.
Chấm chéo bị vô hiệu hóa? ảnh 1
Ảnh minh hoạ


Hướng dẫn lại hướng dẫn chấm thi của Bộ!

Không tránh khỏi bức xúc và thậm chí là phẫn nộ, một giáo viên môn Văn trường THPT chuyên Tiền Giang đã gửi cho báo chí thông tin về “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn Ngữ văn” ngày 5-6 theo tinh thần cuộc họp triển khai đáp án của 11 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày 5-6-2011 tại TP Cần Thơ. Theo biên bản thống nhất này thì thí sinh dù trả lời không đúng với yêu cầu đề bài thì giám khảo vẫn được quyền cho điểm thí sinh.

Cụ thể, trong khi đáp án của Bộ GD-ĐT ở câu 1 đòi hỏi học sinh phải ghi chính xác các chi tiết: màu hồng hồng của ánh sương mai (0,5 điểm); người đàn bà vùng biển (người đàn bà hàng chài) bước ra từ tấm ảnh (0,5 điểm) thì biên bản hướng dẫn của 11 tỉnh này chỉ yêu cầu học sinh nêu được một trong các ý: Màu hồng hồng - Ánh sương mai - Chiếc thuyền - Chiếc thuyền lưới vó ở ngoài khơi tiến vào… màu sương mờ… đã được 0,5 điểm.

Với hình ảnh 2, hướng dẫn này ghi rõ học sinh chỉ cần nêu được một trong các ý: Hình ảnh người đàn bà - Người đàn bà hàng chài - Người đàn bà trong chiếc thuyền bước ra cũng đã được cho điểm tối đa. Nhận xét về hướng dẫn riêng này, một giáo viên tham gia chấm thi môn Ngữ văn của Hà Nội cho rằng nếu cho điểm như vậy thì quá dễ dãi, quá “thoáng”. Hơn nữa, chi tiết chiếc thuyền, chiếc thuyền lưới vó không hề có trong đoạn cuối của tác phẩm và nếu học sinh có đọc tác phẩm thì sẽ không trả lời như vậy. “Nếu quả thật có việc đưa ra các đáp án khác với đáp án của Bộ như vậy thì rõ ràng kết quả chấm thi của 11 tỉnh này là không công bằng với các tỉnh khác” - giáo viên này nhận xét.

Không chỉ với môn Ngữ văn, nhiều ý kiến phản hồi cho biết các môn thi tự luận khác như Lịch sử, Địa lý, Toán… cũng có một biên bản thống nhất như vậy thay cho đáp án của Bộ, theo tinh thần dễ đến mức “có chữ là có điểm”. Lý giải về việc có biên bản thống nhất này, lãnh đạo ngành giáo dục ở Cần Thơ, Cà Mau và Bạc Liêu đều nói rằng đây là việc họp bàn thống nhất cách chấm theo hướng mở không phải tự phát mà được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT.

Liệu có chấm thi lại?

Trước thông tin về việc Bộ có cho phép việc họp bàn này, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, ngày 5-5-2011 Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp gửi Công văn đề nghị Bộ

GD-ĐT cho tổ chức cuộc họp gồm một số đại diện các Hội đồng chấm thi của các tỉnh trong vùng để “thảo luận Hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ GD-ĐT ở từng môn thi”. Xét thấy nội dung cuộc họp trên là không trái với các quy định của quy chế thi, ngày 20-5 Bộ đã có công văn đồng ý cho tổ chức cuộc họp và nêu rõ “phải tổ chức cuộc họp theo tinh thần gọn nhẹ, thiết thực, hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ chấm thi quy định tại Công văn số 1772/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 1-4-2011 về việc Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2011”.

Về việc có hướng dẫn khác với hướng dẫn chấm thi của Bộ GD-ĐT, ông Bùi Anh Tuấn cho biết “Bộ GD-ĐT đã ban hành và chỉ đạo thống nhất đáp án và biểu điểm trong toàn quốc, không cho phép các Hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các hướng dẫn chấm thi khác với hướng dẫn chấm thi của Bộ”. Đến thời điểm này trả lời chính thức của Bộ GD-ĐT là đang yêu cầu các sở GD-ĐT trong vùng ĐBSCL báo cáo về sự việc trên. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo quy chế.

Điều đáng nói là sự việc này chỉ được phát hiện ra sau khi các tỉnh trên cả nước đã hoàn thành công tác chấm thi cũng như công bố kết quả thi cho hơn 1 triệu thí sinh. Bởi vậy, nếu những phản ánh trên của giáo viên trường chuyên Tiền Giang được Bộ xác minh là có thật thì đáp án đưa ra tiếp theo sẽ là như thế nào để đảm bảo tính công bằng cho thí sinh của các tỉnh còn lại. Mặt khác, việc họp bàn để đưa ra hướng dẫn chấm thi “mở” hơn hẳn đáp án của Bộ trên diện rộng các tỉnh trong cùng một vùng liệu có phải là cách thức vô hiệu hóa biện pháp chấm chéo mà Bộ GD-ĐT đặt ra để đảm bảo tính chân thực của kết quả thi tốt nghiệp THPT?