Họa sỹ Thành Phong:

Châm biếm cũng là cách phê phán

ANTĐ - “Nhận thức thay đổi thì hành vi mới thay đổi” - đó là quan điểm của họa sỹ Thành Phong khi thực hiện bộ sách biếm họa về đề tài an toàn giao thông “Nghĩ trước khi bấm còi”. 40 bức tranh tập hợp những hình ảnh châm biếm rất đáng suy ngẫm về thực trạng giao thông hiện nay.

- Là họa sỹ truyện tranh, nổi tiếng với cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” và mới đây nhất là “Phê như con tê tê”, rồi “đột nhiên” anh cho ra mắt một loạt tranh biếm họa về đề tài an toàn giao thông, do đâu mà anh nảy ra ý định thực hiện bộ sách này?

- Loạt tranh “Nghĩ trước khi bấm còi” là sự hợp tác giữa tôi và Ford Việt Nam trong chiến dịch xã hội “K0 Còi” (Không Còi), nhằm phản ánh thực trạng giao thông ở Việt Nam và hướng tới một xã hội an toàn hơn.

-  Với “Nghĩ trước khi bấm còi”, phong cách của Thành Phong có gì thay đổi so với 2 cuốn trước đây không?

- Về mặt chủ đề, “Nghĩ trước khi bấm còi” có nội dung hẹp và thống nhất hơn “Sát thủ đầu mưng mủ”, khi chỉ tập trung thể hiện mảng đề tài giao thông Việt Nam. Các câu nói trong loạt tranh này cũng là thành quả đóng góp của rất nhiều người ủng hộ chiến dịch “K0 Còi”, tôi chỉ là người chuyển tải các câu nói trên thành hình ảnh mà thôi.

- 40 bức tranh trong tập sách là rất nhiều tình huống giao thông hay gặp trong đời thường như phóng nhanh vượt ẩu, bấm còi vô lối, lạng lách, vượt đèn đỏ… được thể hiện rất chân thực. Những tình huống ấy có phải được anh “thu lượm” khi đi trên đường?

- Tôi nghĩ không chỉ mình tôi, mà tất cả những ai thường xuyên phải ra đường đều đã từng chứng kiến những tình huống khó chịu ấy, đôi khi họ là nạn nhân, có khi lại là thủ phạm của những hành động vô ý thức kia.

- Thể hiện nó dưới góc nhìn hài hước đòi hỏi tay bút tỉnh táo, có chiều sâu. Anh nghĩ sao?

- Cái hài là một hình thức phê phán đặc biệt. Phê phán bằng cảm xúc sáng tạo tích cực, nhằm phủ định cái xấu, cái cũ, cái lạc hậu so với nhận thức thời đại. Tôi đồng ý rằng để thể hiện được cái hài trong sự châm biếm, tác giả cần giữ được tỉnh táo, đôi khi tới mức lạnh lùng.

- Tiếp tục sử dụng những thành ngữ đương đại, lối nói lái thông dụng trong giới trẻ… anh “cập nhật” và sáng tạo những cách nói ấy như thế nào?

- Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này, mà dành cho những người xem tranh. Sự thú vị cần được người xem cảm nhận và khám phá trong loạt tranh này, chứ không phải tác giả tự nói về nó.

- Đã có nhiều luồng dư luận xoay quanh “Sát thủ đầu mưng mủ”. Vậy với bộ sách này khi ra mắt đã nhận được sự đánh giá như thế nào từ độc giả?

- Nhìn chung phản hồi về loạt tranh này là khá tích cực, theo quan sát của tôi. Có thể do loạt tranh đã chia sẻ những bức xúc của đa số mọi người về thực trạng giao thông tại Việt Nam – không khó để nhận ra là đang tồn tại rất nhiều vấn đề tiêu cực.

- Anh tự tin bộ sách này sẽ có tác động đến nhận thức của người đọc khi tham gia giao thông chứ?

- Thú thật là tôi cũng không biết, tôi chỉ làm hết sức trong khả năng của mình, còn nó tác động tới người xem thế nào thì còn tùy vào nhận thức của từng người. Tôi hi vọng sau khi loạt tranh được đưa lên facebook và internet, đối tượng người xem đầu tiên là thanh thiếu niên, những người am tường công nghệ và cũng chính là những người sẽ thay đổi xã hội trong tương lai, sẽ có những nhận thức rõ ràng hơn về thực trạng giao thông Việt Nam. Vô ý thức khi tham gia giao thông nhiều khi là hành vi theo thói quen, và ảnh hưởng bởi đám đông, nên từng cá nhân nếu có thể nhận thức lại cũng là điều hết sức đáng quý. Nhận thức thay đổi thì hành vi, thói quen mới thay đổi được.

- Vậy sắp tới ưu tiên của anh sẽ là truyện tranh hay tranh biếm họa?

- Tôi nghĩ gọi là minh họa có yếu tố châm biếm, giễu nhại thì chính xác hơn. Tôi vẫn thích truyện tranh và luôn hy vọng có thể kết hợp nhiều phong cách thể hiện với nhau, để tạo ra hiệu quả sáng tạo cao nhất.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!