Chắc tay lái… giá cả

ANTĐ - Ngay từ đầu năm mới 2013, với việc ban hành một loại nghị quyết quan trọng, Chính phủ đã thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ không chỉ để vực dậy nền kinh tế mà còn làm cho nó “ấm” lên. Đó là Nghị quyết 01/CP về những giải pháp chủ yếu tập trung tiếp tục điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, thận trọng nhưng linh hoạt theo diễn biến của nền kinh tế. Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như những giải pháp để xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho tăng trưởng, đồng thời đảm bảo sự ổn định cuộc sống của người dân nói chung và tầng lớp dân cư thu nhập thấp.

Nghị quyết và giải pháp có phát huy tác dụng trong thực tiễn hay không, theo ý kiến của một ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, còn trông chờ vào những cải cách mạnh mẽ thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế thực sự, chứ không phải là những giải pháp gỡ khó, giải cứu được ban hành dồn dập và ngắn hạn thời gian vừa qua. Nếu không, những yếu kém của nền kinh tế sẽ khó thể hạn chế được. Vị ủy viên Ủy ban dự cảm, năm nay kinh tế có thể tăng trưởng trở lại nhưng lạm phát cũng có cơ tăng lên, nền kinh tế sẽ không biết đến khi nào mới thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn: có tăng trưởng thì lạm phát lại tăng trở lại, kiềm chế lạm phát thì tăng trưởng suy giảm, khó khăn nối tiếp khó khăn. Rõ ràng là tăng trưởng kinh tế thấp rất nguy hiểm vì sẽ ảnh hưởng lớn đến một loạt các cân đối vĩ mô. Song lạm phát cao thì cũng không kém phần nguy hại. Khi nó “đánh” trực tiếp đến đời sống người dân bởi đó chính là một loại “thuế” vô hình mà cả Chính phủ và người dân đều phải đóng. Vì thế Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng năm nay cao hơn năm 2012 và lạm phát thấp hơn năm ngoái.

Tán thành nhận định này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh, khi xem xét toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ nên thấy trước được những kịch bản lạm phát để can thiệp sớm, thậm chí không cho tăng giá đồng loạt thì mới đảm bảo vai trò điều tiết trong nền kinh tế thị trường. Vừa qua liên Bộ Tài chính - Công Thương đã có công văn “hỏa tốc” gửi các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng dầu yêu cầu giữ ổn định mức giá bán mặt hàng này. Người dân có thể hiểu rằng, việc neo giá này cũng chỉ tạm thời. Bởi vì giá cả đang có nguy cơ trỗi dậy, các mặt hàng thiết yếu như giá điện, xăng dầu, nhất là giá các dịch vụ y tế, vẫn đang bị “treo” sau khi tăng dồn dập khiến lạm phát trong tháng 9 năm ngoái tăng vọt. Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư tỏ ra băn khoăn đặt câu hỏi: Năm 2012 kìm giữ giá thì năm nay không lẽ vẫn không tăng? Nếu không cho tăng giá các mặt hàng mà Nhà nước còn nắm giữ thì nền kinh tế tiếp tục méo mó và không sớm thì muộn vẫn phải tăng, tức là lạm phát sẽ lại bùng lên. Một chuyên gia nước ngoài chuyên nghiên cứu kinh tế châu Á đã cảnh báo, lạm phát có nhiều khả năng tăng trở lại với mức độ trầm trọng hơn do dư thừa cung tiền. Rủi ro tăng giá nhiều hơn là rủi ro giảm giá. Trong khi đó, cơ quan điều hành giá chưa thực sự thận trọng trong việc ứng phó với nguy cơ rủi ro này.

Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã rốt ráo chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát lạm phát ngay từ tháng 1, đảm bảo không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ. Có chuyên gia đã ví điều hành giá trong nền kinh tế thị trường cũng khó như điều hành tốc độ “cỗ xe” kinh tế. Nếu không làm chủ tốc độ, nhìn trước “ổ gà” lạm phát và không chắc tay lái sẽ khó tránh khỏi rủi ro nguy hiểm.