Cha mẹ nuôi đột ngột qua đời, con nuôi có được hưởng thừa kế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hơn 1 tháng điều trị Covid-19, ca sĩ Phi Nhung đã qua đời ngày 28-9  để lại con gái ruột Wendy và 23 con nuôi là những em bé bị bỏ rơi, có  hoàn cảnh khó khăn , khiến hàng nghìn người hâm mộ tiếc thương.

Sau sự việc đau lòng này, nhiều người tỏ sự băn khoăn lo lắng đối với số phận những em nhỏ đã được nhận nuôi nhưng đột ngột mất đi cha, mẹ nuôi, đồng thời đặt câu hỏi, “theo quy định hiện hành, con nuôi không có được hưởng thừa kế của cha mẹ nuôi không?

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình .

Theo Luật nuôi con nuôi 2010, để được xác nhận là cha, mẹ nuôi và con nuôi thì việc nhận nuôi con nuôi phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền - Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về quyền và nghĩa vụ của con nuôi trong gia đình, theo Điều 70 Luật hôn nhân gia đình năm 2014, con nuôi được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập…

Khi sống cùng với cha mẹ, con nuôi có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

Con nuôi được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.

Về việc thừa kế giữa con nuôi và cha, mẹ nuôi, Điều 653 BLDS2015 nêu rõ, con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này thông qua hai hình thức là theo di chúc và theo thừa kế.

Về hưởng di sản thừa kế theo pháp luật, Điều 651 BLDS 2015 quy định, những người thừa kế theo pháp luật gồm các hàng thừa kế sau:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết…;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người chết...

Như vậy, nếu di sản được chia theo pháp luật thì con nuôi là một trong những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người có di sản.

Về hưởng thừa kế theo di chúc, theo Điều 624 BLDS 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Do đó, người để lại di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế…Do đó, nếu cha mẹ nuôi để lại di sản của mình cho con nuôi trong di chúc hợp pháp thì người con nuôi hoàn toàn được toàn quyền hưởng thừa kế.

Như vậy, con nuôi đăng ký theo quy định thì hoàn toàn đủ điều kiện để hưởng di sản thừa kế của cha, mẹ nuôi theo pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều trường hợp chỉ nhận con nuôi trong thực tế. Đối tượng này vẫn được hưởng thừa kế từ cha mẹ nuôi nếu trong di chúc của cha, mẹ nuôi có chỉ định con nuôi được hưởng thừa kế - Luật sư Thu nhấn mạnh.