Cha mẹ hãy thương con đúng cách

ANTĐ - Không khí náo nức của những ngày khai giảng đầu năm học mới đã lắng dịu nhưng với các bậc phụ huynh, vẫn còn nhiều suy ngẫm từ bức thư dành cho cha mẹ học sinh của PGS. Văn Như Cương. Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, PGS. Văn Như Cương cho biết, ông rất mừng vì nhận được nhiều phản hồi tốt sau bức thư của ông.

- Phải chăng bức thư của PGS đã chạm đúng bản chất và đúng thực tế những sai lầm trong giáo dục hiện nay?

- Từ ngày xưa, tôi đã nhận được sự giáo dục rất nghiêm khắc từ gia đình. Bố tôi là thầy giáo làng, mẹ tôi làm ruộng. Theo quy tắc trong gia đình, con cái không được cãi lại bố mẹ, cho ăn gì thì ăn nấy, được mặc cái gì thì mặc cái đó… Nhưng những điều như thế không còn thích hợp với hoàn cảnh hiện nay. Vậy thì cần thay đổi cách giáo dục như thế nào cho nó mới, nó hợp và đúng thời đại thì rất khó. Tôi vẫn thường nhận được tâm sự của phụ huynh, họ nói “dạy con bây giờ khó lắm thầy ơi!” vì bây giờ trẻ con trưởng thành, độc lập suy nghĩ, có quyền phát biểu ý kiến của mình. Chung quy tôi chỉ muốn trao đổi những tâm sự của mình với phụ huynh về cách dạy con nên đã viết bức thư đầu năm học mới như vậy.

- Những lời gửi gắm của PGS mong phụ huynh đừng quá thương con đến mức không để chúng đụng chân, đụng tay làm bất cứ việc gì, dành toàn bộ thời gian cho chúng dùi mài kinh sử…?

- Đúng là điều khiến tôi lo lắng nhất hiện giờ là trẻ con không được học cách lao động, làm việc và không biết tự học. Đây là hai khía cạnh mà với kinh nghiệm của một nhà giáo nhiều năm dạy học tôi thấy ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục cho học sinh thành người. Điều này thấy rõ qua việc phổ biến vai trò của người giúp việc và gia sư trong các gia đình. Có người giúp việc, trẻ con ngày nay không biết quét nhà, dọn dẹp, ăn uống xong bỏ bừa ra đấy. Ngay việc lao động để phục vụ bản thân mình mà cũng không biết cách làm. Còn gia sư thì khiến trò không thiết học. Có bài tập khó, thông thường trò phải suy nghĩ, tìm cách làm, không làm được thì hỏi thầy, hỏi bạn, nhưng có gia sư rồi thì lại ỉ vào gia sư, thậm chí là đọc chép, làm hộ…

- Nhưng PGS cũng biết, nếu không đầu tư thời gian cho con học thêm thì với cách dạy và học hiện nay phụ huynh nào cũng sợ con em mình sẽ thua thiệt?

- Đúng là có phụ huynh phản hồi là “thầy ơi, nếu con chúng tôi không đi học thêm thì sẽ bị điểm kém vì dạng bài này chỉ có những bạn học thêm mới được luyện”. Hiện tượng ấy đúng nhưng tôi muốn phụ huynh hiểu rằng đó chỉ là cái lợi trước mắt. Con các vị được 9, 10 điểm vì đã được ôn luyện thì chỉ là lợi trước mắt nhưng nguy hại lâu dài của nó là các cháu không biết tự học, không biết độc lập suy nghĩ. Vậy sau này ra đời con của các vị sẽ ra sao? Đó mới là điều cần quan tâm. 

- Ngay từ đầu bức thư PGS đã nói các bậc phụ huynh hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét và đánh giá con cái của mình.

- Tôi đã gặp không ít ông bố, bà mẹ luôn buồn bực vì con, chì chiết, thậm chí mạt sát con, xem nó là đồ bỏ đi, không được tích sự gì... Lối suy nghĩ này rất nguy hại cho trẻ con, vì cũng làm nó cho rằng, nó là đứa trẻ vô tích sự, có cố gắng cũng không bao giờ hài lòng bố mẹ. Chính vì vậy tôi muốn chia sẻ rằng nghệ thuật làm cha, làm mẹ là phải biết cách khuyến khích, khen ngợi nhưng không đề cao quá đáng những điểm mạnh của con mình, mặt khác cần khắc phục những điểm yếu của nó mà không vùi dập. Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải mục tiêu giáo dục của chúng ta.