Cha bị đâm chết vì tưởng bắt cóc con: Tâm lý đám đông và hậu quả đau lòng

ANTD.VN - Dư luận mới đây không khỏi bàng hoàng trước vụ cha bị đâm chết do hiểu nhầm bắt cóc con tại thị trấn Hậu Nghĩa. Vụ việc là lời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng do tâm lý đám đông gây nên.

Chiều 21-2, anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi, quê Kiên Giang) dắt con đi chơi gần công viên tại thị trấn Hậu Nghĩa. Bất ngờ một phụ nữ bán vé số dạo tri hô "bắt cóc trẻ em", Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi) đang ở gần đó liền chạy đến.

Anh Bảo giải thích mình đang dắt con đi dạo, nhưng Điền không nghe, yêu cầu anh này đến công an. Hai bên cự cãi, Điền chạy vào quán gần đó lấy dao đâm anh Bảo. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Công an thị trấn Hậu Nghĩa ngày 22-2 bắt Nguyễn Ngọc Hải Điền để điều tra hành vi Giết người.

Nơi xảy ra vụ án mạng nằm gần UBND thị trấn Hậu Nghĩa

Đây không phải lần đầu tiên một vụ việc do tâm lý đám đông gây nên hậu quả đau lòng.

Cứ thấy nghi ngờ là “đánh phủ đầu”

Trước đó, ngày 22-7-2017, chị Lê Thị Bảy (SN 1977) và bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), đều là thành viên của Hợp tác xã tình thương huyện Mỹ Đức, đến thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, bán tăm bông để gây quỹ tình thương.

Khi đi qua nhà anh Đinh Văn Trung (SN 1992, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình), hai chị có hỏi cháu Đinh Huy Anh (SN 2012, ở thôn Thái Phù, xã Mai Đình), con trai của anh Phúc “bố mẹ có nhà không?” để mời mua tăm. Trong lúc chị Bảy và bà Phúc hỏi han cháu Huy Anh, bà nội của cháu là Nguyễn Thị Tốt (SN 1974) chạy đến mắng chửi, đuổi chị Bảy và bà Phúc ra khỏi nhà.

Nghi ngờ hai người phụ nữ lấy cớ bán tăm để bắt cóc trẻ em, bà Tốt đã hô hoán người dân. Nghe thấy tiếng tri hô của bà Tốt, một số người dân thôn Thái Phù, xã Mai Đình dù chưa hiểu tình hình ra sao, đã lao vào đuổi đánh hai người phụ nữ xấu số đến trọng thương.

Clip: Hai người bán tăm bị cả làng đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em. Nguồn: VTC14

Đốt xe vì bị nghi bắt cóc trẻ em

Dù không bị đánh trọng thương như hai nạn nhân trên, song anh Trịnh Mạnh Hải (37 tuổi, quê Thái Nguyên), Giám đốc kinh doanh của một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, cũng phải chịu thiệt hại lớn vì bị nghi oan.

Chiều tối 20-7-2017, anh Hải cùng lái xe là Lê Văn Nam (29 tuổi, ở Hà Nội) đi trên chiếc Fortuner về xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Khi đi qua cửa hàng đồ gỗ của gia đình anh Phạm Đắc Bắc (33 tuổi, ở thôn Đồng Hởi, xã Hồng Lạc), anh Hải vào hỏi mua hàng hóa.

Tiếp chuyện hai người khách trên là chị Quyên-vợ anh Bắc. Trong khi nói chuyện, chị Quyên cảm thấy đau đầu, sa sẩm mặt mày. Nghĩ rằng mình bị hai vị khách này thôi miên, chị Quyên đã vội vàng chạy ra ngoài hô hoán có người “đánh” thuốc mê, bắt cóc trẻ em. Nghe thấy tiếng tri hô của chị Quyên, người dân ở xung quanh đó nhanh chóng chạy ra bao vây lấy hai vị khách và chiếc xe ô tô.

Và dù bất chấp những lời thanh minh của anh Hải và lái xe, người dân ở thôn Đồng Hởi vẫn kéo đến, lao vào bắt giữ. Đỉnh điểm của sự cuồng nộ mê muội này là họ đã châm lửa đốt chiếc xe. Khi lực lượng công an đến hiện trường cũng là lúc chiếc xe với trị giá cả tỷ bạc đã cháy chỉ còn trơ khung sắt.

Chiếc xe ô tô trị giá cả tỷ bạc của anh Hải bị người dân châm lửa đốt chỉ còn trơ khung sắt

Phải biết hành xử đúng luật

Chỉ vì những nghi ngờ cảm tính, nhiều người sẵn sàng kéo nhau đánh đập không thương tiếc người khác, bất luận sự việc chưa rõ ràng. Tâm lý lo sợ và thiếu hiểu biết pháp luật của không ít người dân đã khiến cho sự việc trở lên căng thẳng, nguy hiểm cho bị hại.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích về nguyên tắc, mọi công dân có trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm. Bất kỳ người dân nào cũng có quyền bắt giữ đối tượng thực hiện hành vi phạm tội quả tang, nhưng ứng xử đúng đắn nhất là bình tĩnh, can ngăn mọi người không đánh đập đối tượng, thu giữ hung khí, lấy lại tài sản, cùng người đi đường trói đối tượng giải ngay đến cơ quan công an, VKSND hoặc UBND nơi gần nhất lập biên bản để chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Việc người dân bắt giữ người (vì bất kỳ lý do gì) nhưng không dẫn giải đến cơ quan có thẩm quyền mà giữ lại để hành hung, đập phá tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật", "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác", "Vu khống" hoặc "Làm nhục người khác". Trường hợp nạn nhân tử vong, có thể bị xem xét về hành vi "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác" hoặc "Giết người".

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục

Để chấm dứt tình trạng tự cho mình quyền đánh đối tượng tình nghi phạm tội, người dân cần được trang bị kiến thức pháp luật để từ đó biết hành xử phù hợp. Trong thực tế xét xử đã từng xảy ra nhiều vụ án mà chỉ vì bức xúc, vội vã mà từ phòng chống tội phạm trở thành người phạm tội và phải chịu nhiều chế tài khác. Vì vây, phải thông qua tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức để người dân hiểu đâu là hành vi đúng, hành vi sai mà có cách ứng xử an toàn, văn minh, đúng pháp luật.