CEO Vinacafe Biên Hòa thừa nhận từng sản xuất cà phê trộn đậu nành

ANTD.VN - Chia sẻ tại diễn đàn “Đón sóng thực phẩm sạch” do Bộ NN&PTNT cùng báo Tri thức trẻ tổ chức ngày 23-8, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hòa thừa nhận, cà phê Biên Hòa đã từng sản xuất cà phê trộn đậu nành. 

“Năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới chúng tôi đã tạo ra 2 sản phẩm là Wake-up và Phin có trộn đậu nành vào trong cà phê, điều này khiến chúng tôi vô cùng day dứt”, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Vinacafe Biên Hoà thừa nhận, đồng thời cho biết thêm: “Khi nhấp ngụm cà phê từ bình có chữ Vietnam Coffee đặt tại sân bay cho người nước ngoài thưởng thức dễ dàng nhận ra đây không phải là cà phê nguyên bản và độn đậu nành. Không có gì đau hơn tên Vietnam Coffee dành cho người nước ngoài để người nước ngoài phân biệt lại không phải là cà phê mà là đậu nành”.

Lãnh đạo Vinacafe Biên Hòa thừa nhận đã từng sản xuất cà phê pha đậu nành

Theo ông Kỷ, 2 nhãn hiệu cà phê có trộn đậu nành đạt kết quả kinh doanh tốt nhưng trong bản thân doanh nghiệp luôn day dứt và quyết định đây là thời điểm chấm dứt và chuyển sang mẫu mới, từ 1/8. Từ bây giờ các sản phẩm của Vinacafe chỉ là cà phê nguyên bản. Sau quá trình khảo sát thì được người tiêu dùng đón nhận là ngon hơn.

Vị này cũng cho biết, triết lý kinh doanh của Vinacafe kiên định cà phê là cà phê, hiện Vinacafe có nhiều nhãn hàng đều được xây dựng trên nguyên tắc cà phê là cà phê chứ không trộn đậu nành.

“Người tiêu dùng không biết thế nào là cà phê, thế nào là cà phê trộn, hỗn hợp cà phê... tất cả đều mập mờ. Nếu vẫn cứ mập mờ, không có tiêu chuẩn rõ ràng thì khi bước ra thế giới chúng ta giới thiệu gì”, ông Kỷ chia sẻ

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Toàn, Giám đốc cao cấp ngành hàng cafe - Masan Consumer, thuộc Tập đoàn Masan cho biết, có 17 tỷ ly cà phê Việt Nam được uống mỗi năm, tương đương với khoảng có 35 triệu ly cà phê mỗi ngày.

Tuy nhiên, ông Toàn cho biết, vì lợi nhuận, lòng tham mà người sản xuất đã biến thức uống này thành thứ không phải cà phê.

“Mỗi kg cà phê nông dân Việt bán được 2 USD nhưng Starbuck bán 1 ly cà phê giá 4 USD, gấp hàng trăm lần so với hàng triệu người nông dân Việt Nam thu được. Nescafe hay Starbuck thương hiệu hàng trăm tỷ USD nhưng không trồng 1 hạt cà phê nào. Vậy mà cường quốc số 1 cà phê chúng ta không sống nổi trên chính hạt cà phê chúng ta tạo ra", ông Toàn nói.

Trước đó, trong tháng 6 và tháng 7- 2016, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - Vinasta đã thực hiện chương trình khảo sát hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương và Sóc Trăng.

Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căn tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy

Kết quả phân tích sơ bộ cho thấy, số mẫu không phát hiện cafein là 5/253 mẫu (chiếm 1,98%) và chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, tổng số mẫu cà phê không phát hiện có cafein hoặc có lượng cafein rất thấp, chiếm tới 30,04% trong  tổng  số 253  mẫu khảo sát.  Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người uống cà phê mà không có cà phê.

Cà phê mua từ các quán vỉa hè, căn tin bệnh viện và xe đẩy cho thấy lượng cafein nhỏ hơn rất nhiều so với các loại hình kinh doanh  khác.

Riêng mẫu mua tại các quán lớn (nhà lịch sự) cho kết quả 100% số mẫu  khảo sát  có hàm lượng  cafein  lớn hơn 1000mg/L. Đối với mẫu cà phê mua tại các quán nhỏ và quán cóc, kết quả thử nghiệm cho thấy số lượng mẫu có hàm lượng cafein không phát hiện và rất thấp chiếm 27,7%.

Trong khi đó, số mẫu có hàm lượng  cafein không phát hiện và rất nhỏ trên tổng các mẫu khảo sát mua tại xe đẩy, căn tin bệnh viện và vỉa hè chiếm tới 47,54%.

Theo các chuyên gia, trong nhiều trường hợp, cà phê không chứa cafein là cà phê "giả", được chế biến từ các loại thực phẩm khác nhau và có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng.