Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu:

CEO Nguyên Khôi: Chàng kỹ sư máy tính từ Mỹ về nước lập nghiệp

ANTD.VN - Từ chối cơ hội phát triển ở Mỹ - niềm mơ ước của nhiều người, Nguyễn Khôi (Founder - CEO WeFit) trở về nước khởi nghiệp và đã có thành tựu nhất định trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình.

Lâu nay, Mỹ vẫn được xem là “miền đất hứa”, là niềm ao ước của biết bao người. Thế nhưng, Nguyễn Khôi (SN 1991), du học ngành Kỹ sư máy tính tại Học viện Công nghệ Illinois (Chicago, Mỹ) với đam mê và hoài bão đã từ bỏ một môi trường làm việc tốt, lương cao để tìm cho mình một lối đi riêng.

Quan trọng là phải đứng dậy thật nhanh sau thất bại

Trước khi thành công với WeFit, Nguyễn Khôi đã có khá nhiều thời gian trải nghiệm với lĩnh vực startup. Thời gian ở Mỹ, anh chủ yếu tham gia vào các câu lạc bộ robot, công nghệ để thử nghiệm các dự án làm ra sản phẩm thật. Các công việc anh làm thêm chủ yếu là trợ giảng cho các giáo sư trong trường và không đặt nặng mục đích kiếm tiền từ thời sinh viên.

Trong những kỳ nghỉ hè ở Việt Nam, Nguyễn Khôi xin thực tập tại những công ty công nghệ lớn như IDG, VTC để học hỏi thêm về thị trường Việt Nam. Để trở thành một founder startup, bản thân Nguyễn Khôi vừa làm vừa trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm. Anh đã dành thời gian học thêm về kinh doanh, truyền thông, marketing để phát triển kỹ năng của mình.

Nguyễn Khôi (SN 1991, Founder - CEO WeFit): Là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017; Top 16 gương mặt trẻ Thủ đô khởi nghiệp xuất sắc năm 2017; Top 3 khởi nghiệp tiềm năng năm 2016 tại chương trình Startup Festival do VTV tổ chức; thuộc danh sách “30 under 30” 2018 của Forbes Việt Nam bình chọn.

Nhìn từ góc độ của một người trẻ đam mê khởi nghiệp, CEO WeFit chia sẻ: “Tôi không cho rằng mình đã thành công và cũng không bao giờ đặt ra định nghĩa về thành công. Tôi không bao giờ cho phép mình ở trạng thái an toàn, vì nếu cho rằng mình thành công thì ngay lập tức bản thân sẽ không còn cố gắng. Mình chỉ là một người may mắn đã từng giải những bài toán lớn và cũng gặp nhiều thất bại”.

Nhiều hãng công nghệ lớn hiện nay phát triển từ những công ty khởi nghiệp nhỏ bé. Dù vậy, tỷ lệ công ty công nghệ khởi nghiệp “chết yếu” là rất lớn. Theo số liệu nghiên cứu của CB Insight - tổ chức báo cáo và phân tích dữ liệu quốc tế, có đến 90% tech startup thất bại ngay từ trong trứng nước. Nguyễn Khôi cho rằng làm startup thất bại là chuyện đương nhiên, quan trọng là bạn học được gì sau những thất bại đó.

“Với tôi, lần đau đớn nhất là khi làm ứng dụng lớn đầu tiên. Mình và những cộng sự đã dành hết tâm huyết hơn 1 năm phát triển đội ngũ lên tới 40 người, và tăng trưởng tới 300.000 người dùng, nhưng không thể tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp và sau đó phải dừng lại. Lúc đó, mình còn phải tự tay nói lời chia tay với một nửa đội hình để có thể bước tiếp được” - Nguyên Khôi chia sẻ.

Làm startup đôi khi là gánh trên vai trách nhiệm rất lớn, không phải chỉ lo cho bản thân mình mà còn phải lo cho những cộng sự, những người đồng hành cùng mình “vào sinh ra tử”. Sau thất bại này, vị CEO trẻ tuổi đã nhận ra, việc thất bại khi đi trên bất kỳ con đường nào là không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi khởi nghiệp thì tỉ lệ thất bại càng cao; vậy điều quan trọng là cần phải đứng dậy thật nhanh sau thất bại và tiếp tục hướng về cái đích mình mong muốn.

CEO Nguyên Khôi và hệ thống các phòng tập liên kết với WeFit tại các quận nội thành Hà Nội

Xây dựng hệ sinh thái liên kết các sản phẩm

WeFit được xem như ứng dụng tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình. WeFit là một mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) giống như mô hình Uber, Grab trong lĩnh sức khỏe và thể hình. Thực tế, mô hình này đã thành công ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, châu Âu nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.

Đối với nhiều nguời khi muốn bắt đầu tập luyện ở các trung tâm fitness, họ sẽ gặp phải nhiều rào cản như: tài chính, địa điểm hay thời gian tập không phù hợp với thời gian biểu của công việc. Trong khi đó, các phòng tập chỉ có khách trong một số thời điểm nhất định, nhưng vẫn phải trả chi phí cho nhân viên, địa điểm, máy móc…

Nhiệm vụ của WeFit là kết nối để đưa khách hàng tới lấp đầy khoảng thời gian trống, tối ưu doanh thu cho phòng tập. Trong khi đó, khách hàng sử dụng WeFit có quyền sử dụng tất cả các phòng tập trong hệ thống đối tác. Sau hơn 1 năm ra mắt, WeFit đang sở hữu 3.000 khách hàng trả tiền sử dụng hàng tháng, với hệ thống 600 phòng tập ở Hà Nội và TP.HCM.

Lý giải về việc sáng lập WeFit, Nguyễn Khôi chia sẻ: “Các mô hình mình theo đuổi thường liên quan đến ứng dụng công nghệ vào các ngành mang tính nhân văn và xã hội. Trước đây mình chọn giáo dục để bắt đầu, và sau khi có một vài thành tựu trong lĩnh vực này, mình quyết tâm làm một thứ mới mẻ hơn.

Sức khỏe là thứ đầu tiên mình nghĩ tới, và tập trung của mình là vào việc tạo ra một môi trường thuận tiện, tận dụng thế mạnh của công nghệ và internet để giảm bớt rào cản về địa lý, thời gian giúp cho mọi người có cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Từ đó WeFit ra đời dựa trên nghiên cứu về những mô hình thành công trên thế giới.”

Hiện đã có khoảng 30-35% lượng phòng tập ở Việt Nam được kết nối qua hệ thống của WeFit. Nhưng tham vọng của người đứng đầu WeFit không dừng lại ở đó. Nguyễn Khôi kỳ vọng có thể xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ phục vụ lĩnh vực Lifestyle (phong cách sống) tại Việt Nam, và tương lai có thể mang công nghệ của Việt Nam ra thế giới.

“Tôi không cho rằng mình đã thành công và cũng không bao giờ đặt ra định nghĩa về thành công. Tôi không bao giờ cho phép mình ở trạng thái an toàn, vì nếu cho rằng mình thành công thì ngay lập tức bản thân sẽ không còn cố gắng. Mình chỉ là một người may mắn đã từng giải những bài toán lớn và cũng gặp nhiều thất bại. Làm startup thất bại là chuyện đương nhiên, quan trọng là bạn học được gì sau những thất bại đó”.

CEO WeFit Nguyễn Khôi