Cây xương rồng vẫn nở hoa

ANTĐ - Trong nhiều sự kiện liên quan đến người khuyết tật, người ta thường thấy một phụ nữ nhỏ bé với khuôn mặt rạng ngời ngồi trên xe lăn di chuyển hết từ chỗ các quan khách để chào hỏi, rồi lại đến chỗ những người khuyết tật để động viên an ủi. Có một điều đặc biệt lúc nào chị cũng cười và dường như không lúc nào muốn đứng yên một chỗ quá lâu. Chị cũng không phải là đối tượng cần giúp đỡ trong những chương trình từ thiện ấy, mà chính chị, người đã mang cả trái tim của mình để tìm cách đem lại cho những người khuyết tật như chị có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cây xương rồng vẫn nở hoa ảnh 1


Đã không được là người bình thường

Chị là Nguyễn Thị Lan Anh, Gám đốc Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC). Chị sinh ra ở thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Từ khi biết ý thức là chị đã biết mình khác những người bình thường, phải ngồi một chỗ, nằm một chỗ, lăn lê bò toài chứ không được chạy nhảy như các bạn. Chị mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Ký ức tuổi thơ của chị là những lần bất cẩn, hoặc thèm chạy nhảy quá mà lỡ vận động mạnh đôi chân khiến nó gãy “rắc”, chị cũng không nhớ đã bị gãy chân bao nhiêu lần nữa chỉ biết sau những lần như thế thì đến nay đôi chân chị ngày càng cong queo đi. Có những lần trời mưa, đường lầy lội, bố mẹ người thì dắt xe đạp, người thì đẩy, hàng mấy tiếng đồng hồ mới đưa được cô tới viện.

“Lúc bé, mỗi lần như vậy chỉ thấy đau thôi, đau lắm, nhưng vẫn nghĩ rằng một ngày nào đó bệnh của mình sẽ được chữa khỏi chứ không bao giờ nghĩ mình sẽ mãi bị như thế này. Mỗi lần thấy mẹ đem chuyện bệnh tật ra tâm sự với ai đó mà mình nghe thấy là cảm thấy giận mẹ lắm. Mãi đến lớn mới ý thức được điều đó, dù sao thì với một người khuyết tật bẩm sinh điều này cũng dễ chấp nhận hơn những người bỗng dưng thành tật nguyền. Thế nhưng đến khi đi học, mỗi lần bị các bạn trêu là con què thì lúc đấy lại tủi thân vô cùng, lại khóc” - chị Lan Anh tâm sự.

Khi được 5-6 tuổi, các bạn bắt đầu cắp sách tới trường, còn Lan Anh cứ ở trong nhà ngóng ra. Hồi ấy, trường tiểu học gần nhà cũng không nhận trẻ khuyết tật nên cô bé không được đi học. Bố, mẹ, bà nội thấy vậy thì thương lắm, bàn tính mãi rồi họ cũng lặn lội vận động các mối quan hệ để Lan Anh được đi học lớp 1 vào năm 8 tuổi. Xin được đi học rồi thì một vấn đề lại đặt ra là ai sẽ đưa đón cô bé đi học, vì bố mẹ phải đi làm từ sáng đến tối. Thương cháu, bà nội hơn 70 tuổi đã nhận nhiệm vụ hàng ngày cõng cháu đi học rồi học xong lại đến cõng về, cứ thế mỗi ngày trên quãng đường hơn 1 cây số. Mãi sau này cô giáo chủ nhiệm thấy vậy đã nhận nhiệm vụ chở Lan Anh đi về, sau đó lớn hơn một chút thì các bạn thay nhau đến đón đi học. Đến năm lớp 9 thì gia đình mới mua được cho chị một chiếc xe lăn để tới trường. Và cứ thế, chiếc xe lăn ấy gắn với chị, lên cấp 3 rồi vào đại học. 

“Ừ, chắc tôi điên”

Khi học đại học, Lan Anh luôn là sinh viên suất sắc và tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện. Chị bảo có tham gia các hoạt động tình nguyện giúp đỡ người khuyết tật mới thấy ở đời còn nhiều người khuyết tật khổ hơn mình, thế nên chị lạc quan thêm nhiều. Nhờ khả năng ngoại ngữ tốt nên chị được nhà trường cử tham gia nhiều chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, và vì thế chị cũng được đặt chân tới nhiều nước trên thế giới. Chị tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội) với tấm bằng cử nhân loại giỏi khiến nhiều người thán phục, và sau đó tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ra trường, ngày thường chị đi làm việc như bao người bình thường khác, cứ đến cuối tuần lại đi làm tình nguyện. Rồi thấy thời gian làm tình nguyện như vậy vẫn chưa đủ, chưa thỏa, chị xin nghỉ hẳn công việc ở doanh nghiệp để hỗ trợ người khuyết tật tại Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam. Cứ vậy đến nay đã được hơn 10 năm.

Năm 2011, chị đứng ra thành lập Trung tâm ACDC với những hoạt động chính gồm Tư vấn pháp luật miễn phí cho người yếu thế; Vận động chính sách cho người yếu thế; Đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên khuyết tật; Bảo vệ quyền lợi cho trẻ em khuyết tật và Phát triển sinh kế bền vững. Chị cười: Hồi mới thành lập, Trung tâm chỉ có 3-4 người nên mang tiếng là Giám đốc nhưng cái gì chị cũng kiêm hết. 

Mới đây nhất là dự án Xương rồng vẫn nở hoa nhằm góp phần phát triển sinh kế bền vững cho người khuyết tật. Chị cùng với các bạn bè đồng nghiệp đã tỏa đi khắp nơi, xuống các huyện ngoại thành, đến từng hộ gia đình có người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, nhất là phụ nữ đơn thân để vận động họ tham gia chương trình. Chị bảo người khuyết tật mọi sinh hoạt, lao động khó khăn đã đành, nhưng cái khó nhất với họ là mặc cảm, tự ti, khó hòa nhập với cuộc sống bình thường. Và khi họ chấp nhận là người phụ nữ đơn thân, nuôi con một mình thì khó khăn và sự kỳ thị càng nhân lên gấp bội. Chính vì vậy chị đã bắt tay vào dự án này. “Có hôm tôi online  trên mạng, có người bạn vào hỏi sao chưa ngủ, rồi mắng tôi: Bà điên à, giỏi giang là thế sao phải sống chết với cái việc làm vừa vất vả, vừa không đủ sống. Tôi trả lời: Ừ, chắc tôi điên!”.

Quả ngọt

Khi nhắc đến việc gia đình, chị lấp lánh vui. Chị bảo đã may mắn có một người chồng thông cảm, yêu thương và hiểu công việc của chị, mà tuyệt vời hơn “quả ngọt” của hai người là cậu con trai năm nay đã 4 tuổi. Chồng chị là một người đàn ông quê ở Đà Nẵng. Anh chị quen biết nhau cũng trong một tổ chức tình nguyện, anh lúc đó đã là Phó Giám đốc một doanh nghiệp trong ấy. Thấy cô gái ngồi xe lăn lúc nào cũng hồn nhiên, nhiệt huyết với công việc từ thiện, anh “cảm” dần. Sau này chị có hỏi tại sao anh lại lấy một người khuyết tật làm vợ, anh “bật mí” là nghe đồn chị “kiêu nhất nước Việt Nam” nên quyết phải cưa đổ. Thế là mỗi ngày anh đều đặn nhắn tin cho chị, dù nhiều khi không được hồi âm. Rồi gọi điện, rồi tâm sự đủ mọi chuyện. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng chị cũng “đổ” anh lúc nào không hay. Chị cười: “Hồi đấy ai cũng bảo mình kiêu, vì chẳng bao giờ quan tâm đến mấy lời tán tỉnh. Mình chỉ nghĩ mình khuyết tật thế này thì sẽ cứ vậy mà sống, chứ chẳng bao giờ lấy chồng cả, thành ra mang tiếng là kiêu”.  

Khi yêu nhau và quyết định tiến tới hôn nhân, chị cũng đấu tranh tư tưởng lắm. Người nhà chị thì bảo chị như thế này rồi lấy chồng vào chỉ khổ thêm. Còn người nhà anh thì lo đến khả năng làm vợ, làm mẹ chị không có. Nhưng rồi tình yêu chân thành của anh chị đã thuyết phục được mọi người. Cưới xong, anh còn tình nguyện bỏ công việc trong Đà Nẵng để chuyển ra Hà Nội cho vợ “không phải bỏ công việc tình nguyện”. Rồi anh chị có con. Suốt thời gian mang thai, sinh con ra là chừng ấy ngày giờ chị lo lắng. Chị lo lắng căn bệnh di truyền của mình có để lại cho con. Từ khi bào thai cho tới tận bây giờ, mỗi ngày chị đều cầu mong, đều hồi hộp xem “đến cái ngưỡng của mình, con có bị sao không”. Hạnh phúc với chị là cậu con trai đã hoàn toàn bình thường, lại rất thông minh, hiếu động.

Nói về người chồng, chị Lan Anh không giấu được niềm vui: “Anh ấy ngoáy bột cực siêu. Anh còn là một cố vấn tận tình của Trung tâm, cần là có và còn là một “xe ôm” miễn phí nữa. Và nhất là không bao giờ kêu ca sao vợ làm nhiều mà tiền ít thế”.

Nhìn vào ánh mắt, nụ cười và sự nhiệt huyết của chị, tôi tự nghĩ, có lẽ chị chính là một trong những cây xương rồng đẹp nhất, kiên trung nhất, và chị cũng đang nở hoa cho đời.