Cây xanh với người Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những tưởng cây xanh có mặt như là một mặc định lâu đời ở Thủ đô mà không phải thế. Cây xanh được trồng có quy hoạch và khá nhiều giống mới được đưa về thành phố là tác phẩm của người Pháp khi sang đô hộ xứ này. Xem những ảnh chụp hồi đầu thế kỷ trước sẽ bắt gặp rất nhiều con phố còn trồng cây cối rất hồn nhiên như tâm tính người Việt.

Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã quan tâm toàn diện đến cây xanh đô thị khi trồng mới trên 1,5 triệu cây xanh, riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã trồng được hơn 67.000 cây 

Chẳng cứ người Hà Nội mà bất cứ người Việt nào cũng đều coi cây cối quanh môi trường sống của mình như một đòi hỏi liên tục suốt từ nghìn đời. Với những đô thị, đòi hỏi này còn có tính cấp bách thường xuyên hơn hẳn các vùng nông thôn. Thế nhưng kể từ sau hòa bình năm 1954 cho đến gần đây, cây xanh đô thị mới được quan tâm triệt để toàn diện hơn bao giờ hết.

Hà Nội sau hòa bình với dân số khoảng ba chục vạn thì vấn đề cây xanh cũng chưa đến nỗi cấp bách lắm. Đại khái những con phố từ thời Pháp thuộc trồng cây gì thì cứ tiếp tục theo nếp cũ mà trồng bổ sung vào khi cây già héo mục ruỗng. Lúc ấy kĩ thuật canh nông còn sơ sài. Người ta phải trồng bổ sung những cây phượng non nhỏ bằng ngón tay thay cho mấy cây phượng già ngã đổ sau mùa bão ở phố Lý Thường Kiệt.

Trồng bổ sung vài cây hoa sữa bên hồ Thiền Quang và vài cây bằng lăng ở phố Thợ Nhuộm. Những cây xà cừ non cũng được trồng thêm cho những con phố toàn xà cừ. Nhìn chung là hình ảnh ấy đầy tính tượng trưng. Chờ được hàng cây non lớn lên cho bằng những cây cũ ở phố phải mất vài chục năm. Trong lúc chờ đợi ấy cũng đã có bao nhiêu cây già úa đổ gãy.

Trong lúc chờ đợi vài chục năm cũng lại là thời gian dân số đã tăng vượt trội lên gấp hàng chục lần. Tỷ lệ giữa dân số và cây xanh lại càng trở nên chênh lệch gấp bội phần. Đất đai dành cho việc trồng cây ở thành phố ngày càng thu hẹp. Một chuyện rất nhỏ thôi nhưng có tính phổ biến khá mạnh mẽ. Đó là những con phố có nhiều biệt thự xưa thường được trồng nhiều cây cổ thụ trong lòng nó.

“Chẳng cứ người Hà Nội mà bất cứ người Việt nào cũng đều coi cây cối quanh môi trường sống của mình như một đòi hỏi liên tục suốt từ nghìn đời. Với những đô thị, đòi hỏi này còn có tính cấp bách thường xuyên hơn hẳn các vùng nông thôn. Thế nhưng kể từ sau hòa bình năm 1954 cho đến gần đây, cây xanh đô thị mới được quan tâm triệt để toàn diện hơn bao giờ hết”.

Nhà văn Đỗ Phấn

Khi biệt thự phải chia năm sẻ bảy cho người dân vào sống thì cây xanh trong khuôn viên ngôi nhà là “nạn nhân” đầu tiên. Người ta chẳng ngần ngại gì mà không chặt đi vài cây muỗm, cây doi và những cây ăn quả người chủ cũ đã dày công chăm sóc hàng chục năm trời. Lý do chỉ có một mà thôi. Nhà này cơi nới ra cái bếp, nhà kia cũng tranh thủ khoảng đất gốc cây mà xây dựng nhà vệ sinh hoặc nhà kho chứa củi, để xe. Cây xanh trong các biệt thự êm đềm dần vắng mặt nhường chỗ cho bê tông, gạch ngói.

Đối với lũ trẻ phố phường thì cây cối luôn là một sân chơi bí ẩn vô cùng hấp dẫn. Hầu hết mọi trò chơi ngoài đường của chúng đều diễn ra dưới bóng những cội cây già nua xanh ngát. Buổi tối chơi trốn tìm nhiều đứa chọn cách trèo lên những cây nhỏ vừa vòng ôm làm chỗ trốn. Mùa quả chín, những me, sấu, bàng còn là món ăn vặt không đứa trẻ ở phố nào không thèm thuồng. Nhiều đứa còn biết vị trí cây hạt thối trên Công viên Bách Thảo để lúc nào quả chín rơi hạt xuống sẽ lên nhặt.

Trò chơi của chúng là ném vào bếp lửa đun mùn cưa hoặc lén bỏ vài hạt vào khay than hồng của các bà bán ngô nướng. Mùi bốc lên váng vất quẩn quanh trong làn khói làm chúng được những trận cười khoái trá. Lứa trẻ nội thành những năm 60 thế kỷ trước còn có thể thuộc lòng từng gốc cây trên phố. Hầu như tất cả bọn chúng đều biết Hà Nội chỉ có một con phố duy nhất không có cây và không có cột đèn. Đó là phố Tràng Tiền đoạn từ Nhà hát Lớn Hà Nội về đến Bờ Hồ. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của các bậc phụ huynh lúc ấy chính là được nhìn thấy lũ trẻ nô đùa nghịch ngợm dưới những gốc cây già nua trên phố.

Nhà văn Đỗ Phấn

Giờ thì cây xanh đang được thành phố quan tâm trồng trọt khắp mọi nơi có thể. Những bùng binh ngã tư lớn và dải phân cách ở những con đường lớn trong thành phố giờ đã phủ kín cây xanh và hoa nhiều loại, đa tầng. Những con đường nhộn nhịp nhất thành phố như Kim Mã, Giảng Võ, Văn Cao, Điện Biên Phủ… gần như đã hoàn thiện được việc trồng cây biến chúng trở thành những tiểu cảnh cây xanh và hoa làm giảm bớt căng thẳng khá nhiều cho người tham gia giao thông.

Những hàng cây xà cừ cổ thụ trên những con phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong… đã thấy xuất hiện khá nhiều cây hoa giấy leo cuốn bên dưới gốc cây tạo những điểm nhấn màu sắc tươi tắn. Khá nhiều nơi trong phố được trồng hoa ban tím ngát nhẹ nhàng hoặc hoa muồng hoàng yến vàng óng chứ không còn cảnh trồng tràn lan bằng lăng như trước nữa. Theo thống kê của Sở Xây dựng thì kể từ năm 2016 đến nay toàn thành phố đã trồng mới được trên 1.500.000 cây xanh. Riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã trồng được hơn 67.000 cây mới.

Thế nhưng so sánh tỷ lệ cây xanh trên 10 triệu dân Thủ đô bây giờ thì còn rất lâu mới có thể theo kịp vài chục năm trước. Bài toán nan giải nhất của thành phố vẫn là ở những khu chung cư mật độ dân số khá đông và diện tích trồng cây xanh luôn nhỏ hẹp chẳng bõ bèn gì. Đã thế, dù cho có là những giống cây cao to đến mấy thì sức lớn của chúng chỉ ở tầm 5 tầng nhà mà thôi. Phần còn lại bên trên hàng vài chục tầng nhà nữa luôn là nơi vắng bóng cỏ cây. Những gia đình cư trú trên ấy chỉ còn cách tự nghĩ ra trồng cây cảnh trong khoảnh ban công nhỏ hẹp của mình. Nó gần như chỉ là liệu pháp màu xanh cho con mắt hàng ngày mà gần như không có ý nghĩa gì về việc điều hòa khí hậu.

Quỹ đất dành cho cây xanh trong nội đô đã gần như cạn kiệt từ khá lâu rồi. Lũ trẻ ở phố bây giờ cũng không còn đứa nào leo trèo nghịch ngợm trên những tán cây. Phần vì phụ huynh của chúng cấm ngặt chuyện này. Bởi vì mỗi gia đình trẻ bây giờ chỉ có đến 2 con là nhiều. Phần khác là cũng không đủ cây cối để trèo leo nữa. Đứa trẻ ở phố bây giờ mà còn biết thoăn thoắt trèo cây ắt hẳn phải là “thần đồng” chẳng cần ai bình chọn. 

Thành phố phải đặt vào kế hoạch hành động của mình những nội dung thiết thực để bảo vệ và phát triển cây xanh ở những vùng đã có. Kịp thời chăm sóc và bổ sung cây xanh trên phố là công việc vô cùng vất vả khó khăn nhưng buộc phải làm và phải làm tích cực hàng ngày. 

Nhà văn Uông Triều: Hà Nội nên trồng thêm ít nhất 5 triệu cây xanh

Cây xanh với người Hà Nội ảnh 3

“Hà Nội trồng nhiều cây xanh là rất tốt và thiết thực. Tôi từng nói rằng, nếu Hà Nội không có cây xanh, Hà Nội không còn là Hà Nội nữa. Cây xanh tạo cảnh quan tươi mát, thanh bình, điều đặc biệt nó còn giúp thành phố bớt ngột ngạt oi bức. Tôi nghĩ 1,5 triệu cây xanh vẫn còn chưa đủ. Vì nhiều tuyến đường, tuyến phố hiện vẫn thiếu cây xanh, oi bức và khô cằn lắm. Tôi nghĩ Hà Nội nên trồng thêm ít nhất là 5 triệu cây xanh nữa.

Khi sang Singapore, nhìn những cánh rừng trong thành phố tôi thèm lắm mà đất đai họ khan hiếm hơn mình nhiều. Tôi nghĩ ngoài việc trồng cây xanh trên phố, nên biến một số công viên thành rừng, ví dụ như Bách Thảo, Thống Nhất… những nơi đó cây xanh còn ít và thưa quá. Nếu thành phố có những khu rừng nhỏ trong công viên thì rất tuyệt và là điểm nhấn cho du lịch và cảnh quan lại điều hòa khí hậu. Nhiều công viên nhưng lại thưa vắng cây thì quả là phí, rất phí.

Hà Nội muốn đẹp, muốn xanh, ngoài việc trồng thêm cây cần phải hạn chế đào bới, hạn chế những con đường nhấp nhô vì vừa làm xong đã lại đào. Tăng cường các thùng rác công cộng ở những nơi đông người. Tạo thêm các biểu tượng mới cho Hà Nội. Thí dụ nhỏ thôi, bây giờ muốn chụp ảnh nơi nào có chữ “HÀ NỘI” cũng không có. Nên tính cả những điều tưởng chừng nhỏ nhưng rất quan trọng này”.

Yên Vân (Ghi)