Cây xanh gãy đổ do bão Yagi đè chết người, làm hỏng xe ô tô: Ai phải bồi thường?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Do ảnh hưởng của siêu bão Yagi, nhiều cây trên đường phố Hà Nội bật gốc, đè chết người, một số ô tô, xe máy cũng bị hư hỏng nặng. Vậy ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Chiều 6-9, một người đàn ông điều khiển xe máy chở theo một phụ nữ đi trên đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, khi tới gần đường sắt (hướng Giải Phóng) bất ngờ bị một cây phượng bật gốc đè trúng. Người phụ nữ ngồi sau tử vong tại chỗ, người đàn ông bị thương nặng vùng đầu, được đưa đi cấp cứu.

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Cách đây không lâu, một nhóm người đang tập thể dục trong khuôn viên Công viên Tao Đàn (Quận 1, TP. HCM) cũng bất ngờ bị nhánh cây rơi xuống đè trúng. Hậu quả việc khiến 2 người chết, 3 người bị thương.

Về trách nhiệm pháp lý đặt ra trong những trường hợp trên, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn cho người đi đường, cá nhân, đơn vị được giao chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải thực hiện cắt tỉa các cành cây để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Do đó, nếu cây cối bị đổ, bật gốc…khi có mưa bão giông lốc gây thiệt hại về người và tài sản xuất phát từ việc các đơn vị, cá nhân này chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì phải có trách nhiệm bồi thường.

Cây xanh trên đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai bị bật gốc đè trúng 2 người đi đường

Cây xanh trên đường Nguyễn Hữu Thọ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai bị bật gốc đè trúng 2 người đi đường

Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Song không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng được bồi thường bởi chủ sở hữu cây, người được giao chăm sóc cây sẽ không phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp:

Sự kiện bất khả kháng (sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép). Do vậy, nếu các đơn vị quản lý cây xanh hoặc chủ sở hữu của cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa cành cây, buộc cây nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng do mưa gió cây xanh vẫn đổ, bật gốc… gây thiệt hại thì họ không phải bồi thường;

Hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại như chủ phương tiện dừng đỗ xe tại vị trí sai quy định hoặc người điểu khiển phương tiện cố tình đi lên vỉa hè bị cây đổ đè lên người.

Do vậy, để xác định cây đổ làm chết người ai phải bồi thường thì phải xem xét đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người đi đường có lỗi hay không?

Nếu đơn vị quản lý cây xanh không thực hiện các biện pháp hạn chế rủi ro, họ phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Về mức bồi thường thiệt hại khi cây đổ làm chết người, theo quy định hiện hành, những thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm:

Thiệt hại về sức khoẻ tính từ thời điểm sức khoẻ của nạn nhân bị xâm phạm cho đến khi người đó chết: Chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hội sức khoẻ và chức năng bị mất, chi phí khám chữa bệnh; Chi phí mai táng; Tiền cấp dưỡng cho người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết.

Về trách nhiệm bồi thường đối với những chiếc xe bị hư hỏng khi bị cây gãy, đổ vào, luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, cây và xe ô tô đều được xác định là tài sản. Nếu xe ô tô đâm vào cây, khiến cây đổ, hư hại tài sản là cây cối thì người gây tai nạn đâm đổ cây có trách nhiệm bồi thường. Ngược lại, khi xe ô tô dừng đỗ đúng quy định mà cây đổ gây hư hại đến xe thì người quản lý cây phải bồi thường.

Song, để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại cần phải chứng minh rằng mình đã bị thiệt hại do tài sản của người khác gây ra và thiệt hại đó không có lỗi của mình, không thuộc trường hợp bất khả kháng.

Nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này.

Nếu cây đổ là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại.