Cây trồng biến đổi gene: Tranh cãi lợi hay hại

ANTĐ - An ninh lương thực ngày càng trở thành cấp bách. Khi biến đổi khí hậu khiến thiên tai, bão lũ, nước biển dâng nghiêm trọng hơn, khi mà đô thị hóa khiến đất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp, giải pháp cây trồng sinh học được coi như một cứu cánh thì cây trồng biến đổi gene (GMC) vẫn bị các nhà khoa học trong nước mổ xẻ.

Ảnh internet


Cần cân nhắc, có lộ trình

Từ năm 2010, Bộ NN&PTNT bắt đầu trồng khảo nghiệm ngô biến đổi gene tại 12 điểm thuộc 7 tỉnh, thành. Đợt thu hoạch vào tháng 9-2011 cho nhiều kết quả khả thi. TS. Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết: “Khả năng kháng sâu của ngô khảo nghiệm tốt đến mức trên tuyệt vời. Ngô tại Vĩnh Phúc cho năng suất tăng 30 - 60% so với giống ngô thông thường đang trồng. Tại Đắk Lắk, khả năng kháng thuốc diệt cỏ tốt, cỏ không mọc được, năng suất ngô tăng”. Hiện, các đơn vị khảo nghiệm đang hoàn tất hồ sơ báo cáo trình Hội đồng An toàn sinh học của Bộ NN&PTNT xem xét, cấp chứng nhận an toàn về sinh thái và môi trường cho 7 giống ngô biến đổi gene này. Theo ông Lê Huy Hàm, nếu vượt qua “cửa ải” này, sớm thì đến 2012, Việt Nam mới trồng giống ngô biến đổi gene rộng rãi.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã cho phép khảo nghiệm 3 loại cây trồng biến đổi gene ở Việt Nam là ngô, bông vải và đậu tương. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNT mới chỉ đang khảo nghiệm trên 7 giống ngô.

Cây trồng biến đổi gene hiện thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà khoa học đầu ngành trong nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra e ngại đối với loại cây trồng này. GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nhiều người đang tỏ ra “dị ứng” với cây trồng và sản phẩm biến đổi gene vì không chấp nhận đưa vào cơ thể mình một thứ gene lạ, nhưng trên thực tế hiện nay, khoảng 50 loại sản phẩm dược đang sử dụng rộng rãi trong y học là sản phẩm chuyển gene từ vi sinh vật. Do đó, không cần phải “sợ” sản phẩm biến đổi gene. Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng nêu ý kiến, nên cân nhắc. Bởi, mỗi năm nước ta phải nhập 2 triệu tấn khô dầu đậu tương, khoảng 1,6 triệu tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi, lượng ngô nhập đã là sản phẩm GMC. Nhu cầu vẫn lớn nên cần sản xuất GMC có lợi cho nông dân, song phải có lộ trình rõ ràng.

Nên sử dụng dưới  góc độ thức ăn chăn nuôi

Còn TS. Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì nhìn nhận sản phẩm GMC dưới góc độ là nguyên liệu để chăn nuôi. Ông Vang cho biết, từ năm 2020 trở đi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ bị thiếu nghiêm trọng. Do đó, chúng ta có thể học tập các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn trồng sử dụng các sản phẩm cây biến đổi gene, nhưng chỉ dùng để chăn nuôi, không dùng trực tiếp cho người. “Nếu chúng ta không cho trồng GMC thì chúng ta vẫn phải nhập khẩu ngô và đậu tương biến đổi gene về”- ông Vang nói.

Trong khi đó, theo GS.VS Trần Đình Long - chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, GMC có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người (giảm khả năng kháng thuốc, gây dị ứng), ảnh hưởng đa dạng sinh học, đặc biệt nếu trồng thì phải phụ thuộc hoàn toàn giống nhập khẩu. Về giống, bà Lê Thị Phi Vân - Viện Chính sách chiến lược phát triển NNNT khẳng định giống ngô GMC không giải quyết được vấn đề thiếu ngô cho chăn nuôi mà còn làm nông dân phụ thuộc lớn vào các công ty giống. Hơn nữa, hiện nước ta đã có những giống ngô năng suất cao nên phổ biến cây ngô chuyển gene chưa phải là quá cấp bách.

Do vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng,  cần tránh nôn nóng khi chưa giải quyết thỏa đáng nhược điểm của công nghệ này, đồng thời phải chủ động về nguồn giống. Về điều này, TS. Lê Huy Hàm cho biết: “Nước ta có ít nhất 10 cơ quan đang tập trung nghiên cứu về GMC, đã có hành lang pháp lý để phát triển và các nhà khoa học hoàn toàn đủ tự tin vào cuộc. Theo tôi nếu có lộ trình cụ thể, Việt Nam sẽ sớm chủ động về nguồn giống GMC, tránh phụ thuộc nước ngoài. Trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp đang ngày càng mất đi thì việc áp dụng GMC là điều cần thiết phải làm khi đủ điều kiện”.