Những bảo vật quốc gia

Cây đèn đồng hình người quỳ: Tỏa ánh hào quang chói lọi

ANTĐ - Năm 1935, tại Thanh Hóa, nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse với tư cách là cộng sự của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) đã bất ngờ phát hiện ra một bảo vật quý giá: “Cây đèn đồng hình người quỳ”. 

Cây đèn sau đó được lưu giữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ và được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận sau này. Cây đèn được làm theo hình người quỳ gối cao 40cm, dài 30cm, rộng 27cm, nặng 1,9kg. Hai vai và trên lưng có 3 cành chữ “S”. Mỗi nhánh chữ “S” này đỡ một bát đèn dầu. Mỗi một cành lại có một hình người hai tay ôm lấy ở phần cuối. Giữa mỗi cành lại có một hình người nhỏ đang quỳ. Tay của những hình người này đang chắp lại vái hướng vào nhau. Cử chỉ của hình người này cho thấy họ là những vũ công. 

Ngoài ra, trên chân của những tượng này có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ. Hai nhạc công là người thổi sáo và hai nhạc công khác đang chơi một loại nhạc cụ chưa rõ. Tóc được mô tả bằng những cuộn hình xoáy ốc, đặc điểm thường thấy đối với các tượng Phật Buddha của Ấn Độ và rất tiêu biểu cho nghệ thuật Gandhara Hy Lạp cổ đại. Xung quanh trán có một vành khăn hoặc một vương miện. Con mắt không nhìn xuôi mà có tỉ lệ lớn và mở rộng. Xung quanh vành môi là ria mép mỏng và bộ râu chia đôi phần cằm, khá phổ biến trong các bộ tộc miền núi miền Tây Pakistan. Hình trên các cánh tay được trang sức khá đẹp; vòng bụng thì đầy đặn có thể để thể hiện sự sung túc của bản thân; bắp chân khuỳnh ra ở vị trí của người có thế lực được tôn kính. Các cánh tay đeo vòng và xung quanh bụng có đeo thắt lưng, đều mang mô típ hoa sen. Các học giả đều cho rằng, cây đèn kỳ bí này là một bảo vật vô cùng quan trọng đối với các buổi tế lễ diễn ra vào ban đêm tượng trưng cho những hào quang chói lọi. Chính hào quang ấy đem lại cho con người lòng tôn kính thần thánh, tín ngưỡng và sự bất tử.