Cấy chất lỏng vào não để thông minh hơn

ANTĐ - Các nhà khoa học Mỹ cho biết đã nghiên cứu ra một loại công nghệ có thể lưu trữ các bức ảnh, video, tài liệu vào các hạt siêu nhỏ lơ lửng trong chất lỏng. Công nghệ này được gọi là “kỹ thuật tin học ướt” và có thể cấy vào não người để giúp con người tính toán nhanh hoặc nhớ được nhiều thông tin hơn. 

Những hạt siêu nhỏ lơ lửng và có thể biến đổi trạng thái khi đặt trong chất lỏng trên được gọi là “các cụm keo”. Nhóm chuyên gia đến từ Đại học Michigan (Mỹ) đã lưu trữ thành công thông tin trong các cụm keo. Trong các cụm keo, trạng thái biến đổi của hạt siêu nhỏ tương đương với việc mã hóa chuỗi 0 và 1 - kỹ thuật được sử dụng trong công nghệ phần cứng ở trạng thái rắn như hiện nay.

Một thìa chất lỏng chứa các hạt siêu nhỏ như trên có thể lưu trữ một terabyte dữ liệu, tức khoảng 2.000 giờ ghi âm. Kỹ sư hóa học Sharon Glotzer, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi hy vọng việc sử dụng các hạt siêu nhỏ có thể chứng minh về phương thức mới lưu trữ thông tin”. 

Để dạng chất lỏng lưu trữ  ứng dụng vào thực tế, các nhà khoa học còn phải tìm ra cách khiến những cụm keo này hình thành kết cấu chính xác trong thể tích chất lỏng lớn hơn. Trong tương lai “kỹ thuật tin học ướt” sẽ khiến não bộ của con người như được lắp đặt một thiết bị “tìm kiếm Google”.