Cây bút trẻ Trang Nguyễn: Đừng gò ép các cô bé vào bóng mây màu hồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam lần thứ IV năm 2021, tác giả cuốn sách được nhận giải A “Chang hoang dã - Gấu” (Nhà xuất bản Kim Đồng) là một nhà bảo tồn động vật hoang dã nổi tiếng có bút danh Trang Nguyễn. Nhìn cô gái Hà Nội nhỏ nhắn với nụ cười tươi sáng, ít ai tin rằng Trang Nguyễn mới về sau chuyến đi thực nghiệm kéo dài nhiều tháng trong rừng. Nơi làm việc không có tên trong các bản đồ du lịch, không có các điều kiện sinh hoạt hiện đại, nhưng Trang Nguyễn vẫn say sưa kể về những “người bạn” của mình như chú voi ở Madagasca hay chú gấu ở Campuchia…

Được biết đến như một nhà bảo tồn động vật hoang dã với nhiều giải thưởng quốc tế, Trang Nguyễn đã phải nỗ lực vượt qua những định kiến giới để biến ước mơ từ thuở bé của mình thành hiện thực. Năm 14 tuổi, Trang Nguyễn một mình tới Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn (Hà Nội) làm tình nguyện viên. Năm 16 tuổi, cô đại diện học sinh sinh viên Việt Nam tham gia cuộc thi về Khoa học môi trường tại Đài Loan và đạt giải Nhất. Năm 18 tuổi cô nhận học bổng toàn phần ngành Bảo tồn động vật hoang dã tại Anh. Từ đây, cô bắt đầu hành trình trở thành niềm cảm hứng với các bạn trẻ bằng chính những hoạt động có sức lan tỏa của mình.

Cuốn “Chang hoang dã” được xuất bản tại Hàn Quốc

Cuốn “Chang hoang dã” được xuất bản tại Hàn Quốc

Không nghĩ mình là cây viết thành công

- Phóng viên: Chào Trang Nguyễn, tới giờ khi nhắc lại giải thưởng danh giá mà “Chang hoang dã - Gấu” đã mang về cho mình, cảm xúc của bạn thế nào?

- Tác giả Trang Nguyễn: Thú thật tôi nhận thông báo sách “Chang hoang dã - Gấu” được giải A giải thưởng “Sách Việt Nam lần thứ IV” khi đang trên đường đi thực địa ở Pù Mát. Đầu tiên tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ, sau đó là vui sướng và tự hào vì cuốn sách với thông điệp về bảo tồn và bình đẳng giới đã được đón nhận. Niềm vui ấy thật khó tả bởi tôi không phải nhà văn, vậy mà được nhận một giải thưởng “trái ngành” lớn như thế. Chỉ tiếc là khi ấy, tôi lại không về nhận giải được.

- Cuốn “Chang hoang dã - Gấu” trước khi nhận được giải thưởng quan trọng trên thì đã từng được nhiều nhà xuất bản trên thế giới mua bản quyền, được xuất bản tại nhiều quốc gia như: Anh, Mỹ, Hàn Quốc... Điều gì đã giúp một nhà bảo tồn động vật hoang dã trở thành một cây viết được đón nhận trong và ngoài nước?

- Tôi không nghĩ mình là một cây viết thành công đâu! Thật đấy! Đây là sự thành công của cuốn sách. Tôi nghĩ, giải thưởng dành cho cuốn “Chang hoang dã - Gấu” cũng như sự đón nhận của độc giả chính là giá trị nhân văn, thông điệp bảo tồn, thông điệp về cách con người có thể cư xử tử tế hơn, tôn trọng hơn đối với thiên nhiên và về sự bình đẳng giới. Một bé gái cũng giống bé trai, đều có hoài bão, ước mơ và sức mạnh để biến ước mơ của mình thành hiện thực.

- Trong cuốn sách, bạn chọn viết về loài gấu với nhiều tình cảm tha thiết. Nghe nói bạn đã bắt đầu ý tưởng trở thành một nhà bảo tồn động vật hoang dã cũng bắt đầu từ một kỷ niệm với một chú gấu?

- Từ khi còn đi học, tôi đã có ý tưởng làm sách tranh để kể cho bạn bè về thiên nhiên môi trường. “Chang hoang dã” là một dự án đã được tôi ấp ủ từ rất lâu. Tôi đã giới thiệu dự án này với Nhà xuất bản Kim Đồng và nhận được nhiều lời động viên, khích lệ. Trên thực tế, “Chang hoang dã” là một series nhiều tập chứ không chỉ là một cuốn sách tranh. Cuốn đầu tiên về gấu, cuốn thứ hai về voi… lần lượt sách sẽ kể cho mọi người nghe những câu chuyện của các loài động vật hoang dã, những câu chuyện về công tác bảo tồn rất chân thực mà có lẽ các bạn chưa được nghe bao giờ.

Lý do tôi chọn gấu để thực hiện cho cuốn sách đầu tiên là vì hồi bé tôi vô tình chứng kiến cảnh gấu bị hút lấy mật. Và tôi đã nhận ra bảo tồn động vật hoang dã là công việc mình muốn theo đuổi. “Chang hoang dã” có nhân vật chính là Sorya - đó là kỷ niệm sâu sắc mà Trang có khi mới gặp cô bé gấu này. Sorya là một cô bé gấu rất tội nghiệp, mẹ bị thợ săn giết khi mới chỉ khoảng 2 tuần tuổi và Sorya đã bị bắt để bán làm thú cảnh. Thật sự lần đầu tiên gặp, nhìn ngắm và tìm hiểu, tôi đã nghĩ nhất định phải để mọi người biết đến câu chuyện của Sorya.

Hạnh phúc thường đến từ những điều giản dị

- Bảo tồn động vật hoang dã cho đến nay vẫn còn rất xa lạ với phần đông người Việt. Tôi tưởng tượng ra nơi làm việc của bạn là những cánh rừng, những thợ săn... Công việc của một nhà bảo tồn động vật hoang dã có vẻ xa lạ, nguy hiểm với phụ nữ?

- Ngay từ khi còn học phổ thông, mỗi lần tôi bộc bạch ước muốn làm ngành bảo tồn động vật hoang dã, thầy cô và bạn bè đều cười vì cho rằng điều đó thật viển vông. Bố mẹ tôi cũng không muốn con gái mình theo công việc này, thậm chí luôn khuyên tôi đổi nghề để an nhàn và an toàn hơn. Một cô gái vào rừng làm việc với kiểm lâm, đối mặt với lâm tặc, tội phạm buôn bán động vật hoang dã, hình ảnh này nhiều người cho là chỉ có ở trong phim. Tuy nhiên, nữ giới trong ngành bảo tồn động vật hoang dã cũng có lợi thế riêng. Các đồng nghiệp nam thường nhường nhịn, giúp đỡ.

Đặc biệt, khi cần cải trang để tiếp cận đối tượng buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã, nữ giới thường ít bị nghi ngờ và lấy được nhiều thông tin hơn. Trước khi đi đến một khu nghiên cứu, tôi thường tìm hiểu xem khu vực đó có dịch bệnh hay không và thực hiện tiêm phòng, uống thuốc chống sốt rét nếu cần. Việc thiếu những vật dụng cần thiết cơ bản trong cuộc sống hiện đại như toilet, nhà tắm, giường chiếu, tivi, internet… cũng là điều khó khăn nếu ở trong rừng vài tháng. Nhưng cũng nhờ những thiếu thốn đó mà tôi nhận thấy hạnh phúc thường đến từ những điều giản dị. Và con người chúng ta vẫn có thể sống mà không cần quá nhiều tiện nghi.

- Với bạn, sứ mệnh của một nhà bảo tồn động vật hoang dã là gì?

- Tôi luôn nghĩ bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ hệ sinh thái. Ví dụ, nhờ tập tính đẩy thân cây của voi mà khu vực savanna (đồng cỏ) được duy trì. Nếu voi biến mất, đồng cỏ sẽ biến thành rừng và rất nhiều loài động vật khác không còn môi trường sống phù hợp nữa. Bảo vệ động vật hoang dã còn là bảo vệ những kiểm lâm, những người nghèo ở châu Phi bị kẻ xấu lợi dụng đẩy vào rừng để săn bắn động vật trái phép.

Tôi muốn mọi người hiểu rằng, để có được một mẩu sừng tê giác hay ngà voi, rất nhiều mạng sống đã bị lấy đi, bao gồm cả động vật lẫn con người. Thêm nữa, việc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã để chữa bệnh là rất nguy hiểm. Không những mất tiền để mua những thứ không có tác dụng, nhiều người còn lãng phí thời gian quý báu vì không chịu đến bệnh viện. Đặc biệt, với bệnh ung thư, thời gian là vô cùng quan trọng. Mất đi thời điểm tốt thì bác sĩ hay y học cũng không thể cứu được.

- Có thể thấy Trang đã đặt bước chân đầu tiên mở lối cho ngành bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam. Nhưng làm sao xóa bỏ định kiến của xã hội, gia đình với ngành này cũng như làm sao để có môi trường an toàn và thuận lợi cho phụ nữ ngành bảo tồn động vật hoang dã?

- Khi tôi thực hiện cuốn sách “Chang hoang dã - Gấu”, họa sĩ Zet Dung góp ý là nhân vật chính nên là con trai vì nếu là con gái sẽ rất ít người đọc. Bạn ấy đưa Doraemon ra là ví dụ để thuyết phục mình, nhưng tôi nhất định không chịu. Một phần bởi vì “Chang hoang dã - Gấu” dựa trên những câu chuyện có thật, sự kiện có thật, nhân vật có thật. Nhưng điều quan trọng hơn, tôi thấy đã có quá nhiều sách với nhân vật chính là những cậu bé, có quá nhiều sách dành cho các cô bé với nội dung “công chúa” chờ đợi hoàng tử đến cứu, có quá nhiều sách dạy các cô bé phải “ngoan”.

Thông qua “Chang hoang dã - Gấu”, tôi muốn nhắn gửi đến các cô bé và các ông bố bà mẹ rằng, các cô bé cũng có cá tính ngất trời. Các cô bé cũng có những ước mơ vĩ đại và lớn lao. Các cô bé cũng có sức mạnh vô song để biến mơ ước thành sự thật. Các cô bé cũng có thể trở thành nhà khoa học, thành nhà du hành vũ trụ, thành kỹ sư, giáo sư toán, thành nhà bảo tồn động vật hoang dã… thành những nhân vật vĩ đại trong lịch sử. Vậy người lớn đừng gò ép các cô bé vào bóng mây màu hồng mà hãy để các cô tự phát triển cá tính và theo đuổi điều mình mong ước.

- Xin cảm ơn Trang Nguyễn!

Trang Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh năm 1990. Năm 2018, cô từng được Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi ở khu vực Đông Nam Á vì những đóng góp trong việc bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu. Trang Nguyễn cũng từng tham gia bộ phim tài liệu Nam Phi mang tên “Stroop: Journey into the Rhino Horn War” (Stroop: Hành trình vào cuộc chiến sừng tê giác) và phim tài liệu của Mỹ mang tên “Breaking their silence: women on the frontline of the poaching war” (Phá vỡ sự câm lặng: Những người phụ nữ trên chiến tuyến của cuộc chiến chống săn trộm).