Cầu thủ Việt kiều hồi hương thi đấu: Đâu phải “mỏ vàng”...

ANTĐ - Có rất nhiều tài năng gốc Việt phiêu bạt ở nước ngoài đã về Việt Nam thử sức, nhưng thực tế, không mấy ai trong số họ thích ứng được với môi trường trong nước, như từng được kỳ vọng.

Emil Lê Giang khó lòng tồn tại được trong môi trường bóng đá Việt Nam

Câu chuyện Emil Lê Giang, cầu thủ từng khoác áo U17 Slovakia nhận được cái lắc đầu, sau thời gian thử việc ở N.Sài Gòn khiến những người “trót” đặt hy vọng vào anh không khỏi chạnh lòng. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang quá thiếu những nhân tố được đào tạo cơ bản ở môi trường bóng đá tiên tiến, sự xuất hiện của Emil, một cầu thủ được ví von là “thần đồng” từng khiến Liverpool và Fulham chú ý, được kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới tươi mát hơn cho nơi vốn được coi là vùng trũng của bóng đá thế giới. Nhưng rồi mọi thứ đổ sập nhanh chóng trước Emil. Quãng thời gian ngắn ngủi thử việc cùng N.SG có lẽ đã khiến anh hiểu được phần nào sự khắc nghiệt của V-League. Emil mau chóng nhận được cái lắc đầu từ lãnh đạo đội bóng phía Nam và đành khăn gói ra Bắc với hy vọng sẽ được HN T&T hoặc Hải Phòng chú ý.  

Trường hợp của Emil Lê Giang cũng tương tự như trường hợp của 2 trong số những cầu thủ Việt kiều đình đám trước kia, là Ludovic Casset và Toni Lê Hoàng. Casset, trung vệ có bố là người Pháp và mẹ là người Việt từng gây xôn xao khi gắn mác “ông Tây” đầu tiên thi đấu trong màu áo ĐTVN. Nhưng rồi chuyên môn chỉ ở dạng tầm tầm, cộng với sự không hòa nhập được với môi trường mới, Casset đã “mở hàng” thất bại cho trào lưu cầu thủ Việt kiều hồi hương thi đấu. Sau đó khoảng 4 năm, Toni Lê Hoàng, với một bản lý lịch “hoành tráng” (cầu thủ U19 hay nhất Ba Lan) trở về Việt Nam với niềm tin mãnh liệt sẽ trở thành ngôi sao mới ở nơi anh sinh ra và rời đi từ 5 tuổi. Giới truyền thông khi ấy cũng tung hô anh lên tận mây xanh, trong bối cảnh ĐT U23 Việt Nam khi ấy đang chuẩn bị hành trình chinh phục HCV SEA Games 23 tại Korat, Thái Lan. Nhưng mọi thứ còn diễn ra bi đát hơn cả trường hợp của Ludovic: Toni Lê Hoàng bị HLV Riedl loại ngay sau buổi tập đầu tiên, với lý do quen thuộc, thể lực yếu và không đáp ứng được chuyên môn. Cú sốc nặng nề ấy khiến Toni Lê Hoàng lập tức trở lại Ba Lan và gặp vấn đề về tâm lý trong một thời gian dài. Theo bố của Toni là ông Nguyễn Kim Hiển, cầu thủ này đã không theo nghiệp bóng đá nữa. 

Trở lại với câu chuyện của Emil Lê Giang, ngay cả những người lạc quan nhất lúc này cũng khó có thể nghĩ tới một kịch bản có hậu hơn cho chàng tiền đạo trở về từ Slovakia này trong mấy ngày tới. Vấn đề về tâm lý, chậm thích ứng với môi trường, khí hậu có lẽ là nguyên nhân dẫn đến những cái kết được báo trước này. Ngay như Lee Nguyễn, một cầu thủ có đẳng cấp thực sự, cũng từng phải trầy trật sống giữa sự cô lập để tồn tại ở môi trường bóng đá Việt Nam, thì những cầu thủ dạng tiềm năng như Emil Lê Giang, Nguyễn Quốc Trung (Thụy Sỹ), Jonhny Nguyễn (Pháp) hay Mạc Hồng Quân (CH Czech) không biết đến bao giờ mới có cơ hội hòa nhập để cống hiến cho bóng đá nước nhà. Nguồn cầu thủ Việt kiều vốn dồi dào và được coi như “mỏ vàng”, nhưng nó chỉ là “mỏ vàng” thực sự khi có những người đủ kiên nhẫn và biết cách đãi vàng mà thôi.