Câu Kiều... bắc nhịp cầu

ANTĐ -  Khi có một sự kiện lớn, tôi thường có thói quen rất khó bỏ là hay chú tâm tới những chi tiết nhỏ.

- Cùng cảnh chè chén vỉa hè, tôi chẳng có ý tâng bốc ông đâu, nhưng người trọng chi tiết thường phải thâm trầm, sâu sắc.

- Không dám! Chẳng cần tinh ý, thâm thúy cũng có thể nhận thấy một chi tiết nhỏ nhưng lại rất ấn tượng trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư.

- Chắc ông muốn nói tới việc Tổng Bí thư tới thăm nhà riêng của cựu Tổng thống Bill Clinton chứ gì?

- Chuyện thăm một người bạn ân tình, ân nghĩa trong đạo lý của dân ta thì dư luận nói nhiều rồi. Song chắc ông chẳng để tâm tới hai câu thơ trong Truyện Kiều lại do chính ngài Phó Tổng thống Mỹ nhắc tới để nói về quan hệ Việt - Mỹ.

- Quả là một chi tiết cực kỳ thú vị. Ông có nhớ hai câu đó của cụ Nguyễn Du không?

- Không những nhớ mà còn thuộc lòng: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Xưa nay chỉ có nhà Kiều học hoặc một số cụ già uyên thâm mới “lẩy Kiều”, không ngờ...

- Tôi xin ngắt lời ông vì chợt nhớ, cách đây 15 năm, lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, cựu Tổng thống Clinton cũng “lẩy Kiều”. Mượn hai câu thơ tả cảnh, ông dự cảm về tương lai quan hệ hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.

- Từ chuyện “lẩy Kiều” của người Mỹ, tôi chợt “lẩy” ra mối lo ngại, không hiểu giới trẻ có thấu hiểu được giá trị kiệt tác văn học của nước mình hay không?

- Đòi hỏi bọn trẻ như thế là quá sức! Ngay như bản thân mình giờ mới thấm thía rằng, câu Kiều không chỉ bắc nhịp cầu vượt qua mọi ngăn cách mà còn có thể trích dẫn để thay lời muốn nói.