Câu hỏi về công tác ứng phó thiên tai sau trận lũ lịch sử ở Hà Nam, Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số người tử vong do lũ lụt tàn phá miền Trung Trung Quốc ngày 22-7 đã tăng lên 33 người và công chúng bắt đầu đặt câu hỏi về công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai của nhà chức trách.
Dòng xe cộ bị cuốn trôi trong nước lũ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc

Dòng xe cộ bị cuốn trôi trong nước lũ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc

Người dân Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày 22-7 bắt đầu công việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả trận mưa lớn kỷ lục làm ngập đường phố và cả tuyến tàu điện ngầm của thành phố, đe dọa các đập và hồ chứa, gây mất điện cho ít nhất 1 bệnh viện, xe cộ bị cuốn trôi… Mưa lũ bất ngờ đã khiến 3 triệu người bị ảnh hưởng và ít nhất 200.000 người phải sơ tán lánh nạn. Hàng nghìn nhân viên cứu hộ đã được cử đến để hỗ trợ Hà Nam.

Thảm họa ở Hà Nam đã khiến công chúng đặt câu hỏi về sự chuẩn bị của các cơ quan chức năng, đặc biệt là dự báo thời tiết dường như không chính xác và quyết định để hệ thống tàu điện ngầm hoạt động trong suốt trận “đại hồng thủy”. Các cơ quan khí tượng đã gọi trận mưa có lượng nước trong 3 ngày bằng cả 1 năm cộng lại là sự kiện thời tiết 1.000 năm mới có một. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền địa phương cải thiện ngay lập tức các biện pháp kiểm soát lũ lụt đô thị và ứng phó khẩn cấp, bao gồm cả những rủi ro tiềm ẩn trên hệ thống đường sắt đô thị. Tờ Thời báo hoàn cầu bình luận, trong những trận mưa lớn như vậy, khả năng “tránh được lũ lụt với Trịnh Châu là hoàn toàn không thể” nhưng cần có những nỗ lực giảm thiểu lớn hơn để giảm thiệt hại về nhân mạng.

Ít nhất 12 người thiệt mạng trên tàu điện ngầm, nơi có khoảng 1.000 người bị mắc kẹt trong các nhà ga và toa tàu sau khi nước tràn vào các đường hầm. Cảnh quay trên phương tiện truyền thông cho thấy hành khách bám vào tay vịn trong dòng nước cao đến ngực. Tờ Henan Business Daily đưa tin, nhân viên tại một nhà ga nói rằng, tất cả hành khách đã được sơ tán nhưng sau đó phải thừa nhận điều đó không đúng sau khi một người đàn ông gọi luôn điện thoại qua video với người vợ vẫn bị mắc kẹt trên tàu. Cô nói với chồng rằng nước gần như ngập đến cổ và các hành khách đang phải vật lộn để thở.

Chính quyền địa phương cho biết, trận mưa lớn đã khiến nước tích tụ trong bãi đậu xe gần Tuyến số 5 của tàu điện ngầm, phá tung tường chắn và làm ngập tuyến đường. Dư luận dấy lên lo ngại về sự an toàn của hệ thống tàu điện ngầm, tuyến đầu tiên được khai trương vào năm 2013. Trên mạng, các bình luận có sự mâu thuẫn nhưng hầu hết chỉ trích về cách ứng phó của cơ quan chức trách. “Tại sao không đóng cửa tàu điện ngầm trước khi trời mưa rất lớn? Chúng ta không thể kiểm soát được lũ lụt nhưng đáng lẽ họ phải tạm ngừng hoạt động khi nhiều cảnh báo được đưa ra”, một ý kiến viết.

Tờ Tin tức Bắc Kinh cũng đặt câu hỏi về thời gian hoạt động của tàu điện ngầm, lưu ý rằng mạng lưới này vẫn chưa bị tạm dừng hoàn toàn cho đến 18h chiều, vài tiếng sau khi nước bắt đầu vào một số nhà ga. Ông Trịnh, một nhân viên của tuyến tàu điện ngầm Trịnh Châu, nói với Southern Weekly hôm 21-7 rằng, họ đã cố chạy nốt các chuyến tàu để mọi người có thể về nhà nhưng không thể lường trước trận mưa như trút nước vào chiều 20-7. “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cảnh nước tràn vào ga tàu điện ngầm. Tôi cảm thấy tuyệt vọng”, ông nói.

Một số người lo lắng rằng với quy mô thiệt hại lần này, việc tái thiết sau thảm họa sẽ đặc biệt khó khăn đối với Hà Nam - một trong những tỉnh đông dân nhất ở Trung Quốc. Riêng Trịnh Châu là nơi sinh sống của 12 triệu người. Tỉnh Hà Nam - nằm giữa Bắc Kinh và Thượng Hải ở miền Trung Trung Quốc - có nhiều địa điểm văn hóa và là cơ sở chính cho ngành công nghiệp và nông nghiệp. Nó được đan xen bởi nhiều tuyến đường thủy, nhiều tuyến liên kết với sông Hoàng Hà, từng có nhiều lần vỡ bờ do lượng mưa lớn trong lịch sử.

Trung Quốc thường xuyên trải qua lũ lụt trong những tháng mùa hè, nhưng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và chuyển đổi đất canh tác, cũng như cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng nguy hiểm đã làm trầm trọng thêm tác động của những thiên tai này.