Câu hỏi khó trả lời

ANTĐ - Làm thế nào được an toàn khi mà trên khắp thế giới lại vang lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng kép hay suy thoái kép? Đó không phải là câu hỏi dễ trả lời với nhiều quốc gia hiện nay.

Mọi thông tin bất lợi đều tác động rất nhanh và mạnh tới thị trường tài chính toàn cầu

Nền kinh thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc suy thoái kép. Đó là lời cảnh báo của nhiều định chế tài chính lớn của thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như rất nhiều chuyên gia kinh tế tiếng tăm.

Mối lo ngại kinh tế thế giới sa vào một cuộc khủng hoảng mới trong khi vẫn chưa phục hồi sau cuộc suy thoái trầm trọng hiện nay chủ yếu xuất phát từ tác động nặng nề của khủng hoảng nợ công của Mỹ và châu Âu với nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng nợ công có thể gây ra mối nguy hại không kém cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn của thị trường nhà đất Mỹ năm 2008 vốn được xem là căn nguyên sâu xa của đại suy thoái kinh tế thế giới vừa qua.

Vì vấn đề nợ công mà cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor (S&P) đã lần đầu tiên trong lịch sử đánh tụt hạng tín dụng của Mỹ. Không những thế S&P còn giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 2% hoặc ít hơn trong nửa cuối năm nay, so với mức dự báo 3,5% GDP cách đây một tháng, đồng thời đánh giá nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái mới là hơn 30%. 

Đánh giá về tác động của cuộc khủng hoảng nợ công, Cơ quan Phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) cũng cho rằng GDP toàn cầu tính theo sức mua sẽ tăng 3,6% trong năm nay và 3,5% trong năm 2012, giảm so với mức dự báo trên 4% trong cả 2 năm được EIU đưa ra tháng trước. Theo EIU, dù không vấp phải vấn đề nợ công song kinh tế của các nước đang phát triển cũng bị "vạ lây" vì Mỹ và châu Âu là hai đối tác lớn. 

Những cảnh báo ảm đạm về triển vọng kinh tế thế giới liên tục được đưa ra còn tác động rất lớn tới niềm tin đối với thị trường tài chính toàn cầu. Mỗi thông tin bất lợi đều có thể là yếu tố gây ra sự hốt hoảng trên thị trường. Một trong những ví dụ điển hình là thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 11-8 vừa qua đã náo loạn trước tin đồn về việc Pháp có thể là nước tiếp theo bị S&P đánh tụt hạng tín nhiệm.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là quy mô và mức độ phức tạp của các liên hệ tài chính xuyên biên giới. Các liên hệ này có thể giúp đa dạng hóa các nguy cơ những cú sốc mà hệ thống tài chính mỗi nước phải đối mặt song cũng lại làm tăng nguy cơ các cú sốc nhanh và đồng thời giữa các nước và có thể gây hậu quả lớn đối với nền kinh tế mỗi nước.

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng trong bối cảnh nền kinh tế mỗi quốc gia và toàn cầu phụ thuộc sâu sắc vào nhau như hiện nay, IMF cho rằng các nước cũng như thế giới cần lựa chọn chính sách tăng cường an toàn tài chính. Theo IMF, đó là cách thức để xử lý hiệu quả hơn các nguy cơ khủng hoảng từ các quan hệ kinh tế và tài chính ngày càng phức tạp giữa các nước và các thị trường trên thế giới. Giám đốc chiến lược và chính sách của IMF Reza Moghadam khẳng định, chính sách này giúp các quốc gia có thể đối phó hiệu quả với những biến động và lan truyền của khủng hoảng.