Câu chuyện xúc động về nghệ sĩ có gương mặt khắc khổ nhất màn ảnh Việt

ANTD.VN - Những ngày này, tên ông bỗng dưng được nhắc đến khắp nơi mặc dù đã lâu rồi, ông không xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.

Đó là tình huống oái ăm mà NSƯT Trần Hạnh và người thân trong gia đình ông chẳng mong muốn gì. Sự tình chỉ vì có thông tin về việc ông ở gần 90 tuổi vẫn đang phải mưu sinh bằng việc bán giày và mũ bảo hiểm trên một con phố nhỏ ở Hà Nội. Nghe vậy, rất nhiều người không khỏi xót xa và cám cảnh cho cuộc sống vất vả của người nghệ sĩ già đã cả đời cống hiến cho nghệ thuật. Nhất là với một người nổi tiếng hiền lành và luôn sẵn sàng nhận phần thua thiệt về mình như ông. Một số người tỏ ý trách móc con cháu để ông phải vất vả ở tuổi “gần đất xa trời”.

NSƯT Trần Hạnh ra cửa hàng của vợ chồng con trai để ngồi cho khuây khỏa, không phải để mưu sinh

Kỳ thực, đó chỉ là sự hiểu nhầm. Việc ông ngồi bán giày, bán mũ là có thật, nhưng không phải để mưu sinh như người ta đồn đại. Như lởi kể của cô con dâu mà NSƯT Trần Hạnh từng tâm sự ông thương nhưu con gái thì, nhiều năm nay ông vẫn thường xuyên ra cửa hàng của vợ chồng chị. Trước kia, khi còn khỏe, ông còn đi lấy hàng giúp con. Từ sau dịp Tết vừa rồi, ông bị ốm, sức khỏe giảm sút nên chỉ ra ngồi ngoài cửa hàng một tiếng buổi sáng và một tiếng buổi chiều cho khuây khỏa.

Cũng theo cô con dâu của NSƯT Trần Hạnh, giờ ông có tuổi rồi nên con cháu thay nhau chở ông từ nhà ra cửa hàng chứ không để ông tự đi như trước. Việc để ông ngồi trông hàng một lúc cũng là cách khiến ông cảm thấy vui về việc mình  già nhưng vẫn còn giúp được con, được cháu. Thế nên, nói ông ở tuổi này rồi vẫn phải chật vật mưu sinh là không đúng.

“Ông vẫn có lương hưu hàng tháng, con cháu đầy đàn và chúng tôi không bao giờ để ông phải vất vả mưu sinh cả. Thỉnh thoảng ông muốn đi diễn vì nhớ nghề thôi, chứ không phải  do thiếu thốn gì” – cô con dâu của NSƯT Trần Hạnh khẳng định.

Dù không vui vì bỗng nhiên bị kéo vào một câu chuyện không đúng với đời thực, song NSƯT Trần Hạnh và con cháu trong gia đình ông cũng xác định không cần bận tâm bởi đây không phải lần đầu tiên có những thông tin thất thiệt kiểu như vậy bủa vây lấy ông.

Bản thân NSƯT Trần Hạnh cũng nhiều lần nhắc đi nhắc lại về việc, ông không muốn mọi người dành cho mình sự thương hại vì già cả hay nghèo khổ vì ông tự thấy mình không nghèo. Bởi vậy, điều ông mong muốn chỉ là: “đừng ai thương hại tôi”. Người nghệ sĩ gạo cội thổ lộ, hàng tháng ông có lương hưu, lại thêm con cháu giúp đỡ, trong khi ông chẳng có nhu cầu tiêu pha gì.

Nụ cười hiền lành luôn thường trực trên gương mặt người nghệ sĩ già

Tính cách ấy của NSƯT Trần Hạnh khiến cả giới nghệ sĩ lẫn khán giả nể trọng suốt bao nhiêu năm qua. Trong đó có nam diễn viên Tùng Dương. Như chia sẻ mới đây của Tùng Dương thì lứa diễn viên ở thế hệ trên anh, cùng lứa với anh và cả thế hệ sau đểu gọi NSƯT Trần Hạnh là “Bố”. “Ông bố” này trong mắt những “đứa con” là một người giản dị, gần gũi, hiền lành, luôn thường trực nụ cười tủm tỉm trên môi. Không chỉ vậy, đó còn là một “ông bố” hóm hỉnh, tinh quái với điếu thuốc lá ngậm vẹt một bên mép, năm đầu ngón tay phải nhuốm màu vàng hơn năm đầu ngón tay trái…

Nhớ lại kỷ niệm về “ông bố” NSƯT Trần Hạnh, Tùng Dương kể, cách đây đúng 20 năm, anh làm tổ chức sản xuất cho bộ phim “Cô gái phòng 307” của đạo diễn NSƯT Đỗ Thanh Hải (sau được đổi tên thành “Tình đời” khi phát sóng). Phim có bối cảnh quay tại Bắc Giang với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quen thuộc, trong đó có anh, vợ cũ của anh - NSƯT Hoa Thúy, NSND Hoàng Dũng và NSƯT Trần Hạnh.

NSƯT Trần Hạnh luôn lo lắng và quan tâm cho người khác

Một lần khi quay cảnh vào thời điểm đã khuya với bối cảnh tại một khách sạn nơi đoàn phim lưu trú. Khi ấy, NSƯT Hoa Thúy đang mang bầu ở tháng thứ 4 nên khá mệt, liên tục nôn ọe, mặt mũi xanh lét. Thấy vậy, NSND Hoàng Dũng đề nghị dừng quay cảnh này, chuyển sang quay cảnh khác trước để cô được nghỉ. Được sự đồng ý của đạo diễn, cả đoàn chuyển xuống sảnh lễ tân để quay cảnh khác, định bụng quay xong sẽ kéo nhau đi ăn cháo. Có điều, khi tất cả mọi thứ đã sẵn sàng thì cả đoàn ngơ ngác vì không thấy NSƯT Trần Hạnh đâu. Thoáng chốc, trong lòng Tùng Dương gợn lên suy nghĩ trách móc ông vì không hiểu tại sao đi đâu hay nghỉ mà không báo với đạo diễn hoặc bên tổ chức sản xuất, lại để mọi người phải nháo nhác tìm.

Giữa lúc ấy, Tùng Dương nghe tiếng gọi rất khẽ phía sau:  “Này, Dương!.. Dương cò lả!..”. Vội ngoái lại, anh thấy NSƯT Trần Hạnh đứng lấp ló phía sau cột tường gần cổng sảnh, bàn tay khẽ thò ra vẫy anh như không muốn ai nhìn thấy. Sau mấy giây định thần, anh liếc nhìn xung quanh thấy mọi người đang chúi đầu vào “moniter” để xem lại đoạn vừa quay. Anh lẳng lặng đi đến chỗ ông, miệng đã thường trực sẵn những câu trách móc, nhưng vừa định mở mồm thì thấy NSƯT Trần Hạnh giơ trước mặt anh một bịch nylon, bên trong là dăm hộp sữa và mấy chiếc bánh ngọt kèm theo lời dặn dò rất khẽ, bảo anh mang ngay lên cho vợ ăn.

“Đàn bà có thai đừng để đuối sức, đoàn quay còn khướt mới xong, chờ cháo của đoàn thì vợ mày nó ngất từ đời tám hoánh nào rồi!” – “ông bố” hiền lành bảo với Tùng Dương.

Nói đoạn, ông dúi túi nylon đựng bánh và sữa vào tay anh, còn ông thì đút tay vào túi quần, lững thững  đi về phía cầu thang nơi mọi người vẫn đang túm tụm.

Nam diễn viên xúc động khi nhớ lại cảnh anh sải bước phi lên cầu thang 2 bậc một, còn nghe tiếng cái cô thư ký trường quay hỏi NSƯT Trần Hạnh: “Ơ bố Hạnh, bố đi đâu mà để cả đoàn tìm loạn khắp nơi?”. Tiếng ông trả lời đủng đỉnh: "À, bố đi tìm mua bao thuốc lá ấy mà…”

“Đã 20 năm trôi qua, và hình ảnh của bố vẫn giản gị như ngày nào với bộ quần áo sờn cũ, nụ cười tủm tỉm vừa hiền lành vừa tinh quái trên môi, khác chăng là bố đã bỏ thuốc lá vì lý do sức khỏe, và các nếp nhăn nhiều hơn đôi chút trên gương mặt khắc khổ ám màu thời gian, ám màu theo những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên mỗi khi nghĩ về bố, một người nghệ sĩ của nhân dân, và là một người Bố trong lòng mỗi diễn viên thế hệ hậu bối như chúng tôi...” – Tùng Dương tâm sự.