“Câu chuyện nhỏ trên biển lớn”

ANTĐ - Sau bộ phim “Cải táng” gây ấn tượng với công chúng, đạo diễn Đào Thanh Tùng lại tìm đến với biển cả, lênh đênh trên những con sóng của Trường Sa để thực hiện bộ phim tài liệu “Câu chuyện nhỏ trên biển lớn”. Và đạo diễn đã rút ra được kinh nghiệm: Có nhiều cách làm phim tài liệu khác nhau nhưng riêng phim tài liệu về Trường Sa, kỹ thuật làm phim không thể thay thế cho cảm xúc.

Làm phim tài liệu về Trường Sa không gì có thể thay thế cho cảm xúc


Tình người nơi đảo xa

Bản thân tên của bộ phim đã mô tả khá rõ ý đồ của những người làm phim. Nhiều khi, những câu chuyện nhỏ gom góp lại có thể nói được nhiều hơn những câu chuyện lớn. Phim được sản xuất theo đặt hàng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Viettel là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên ở Việt Nam phủ sóng tới các đảo ngoài Trường Sa. Họ muốn làm một phép thử: Sóng viễn thông ngoài đảo đã ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống văn hóa và tinh thần của bộ đội và nhân dân trên đảo. Và thật may mắn, đạo diễn Đào Thanh Tùng và nhà biên kịch Phan Huyền Thư đã nhận được lời đề nghị sản xuất bộ phim tài liệu nói trên.

Ngay từ khi nhận được lời mời, đạo diễn Đào Thanh Tùng đã tin rằng, bộ phim sẽ hấp dẫn khán giả. Lý do thật đơn giản, cái tên Trường Sa và những câu chuyện kể về mối liên hệ giữa người đang sống trên bờ và những người làm nghĩa vụ đối với Tổ quốc luôn chạm đến phần linh thiêng nhất trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Nhờ mối liên hệ này, những người ở Trường Sa cảm thấy gần hơn với đất mẹ.

Khi bắt tay vào thực hiện, đạo diễn đã được chứng kiến những câu chuyện nhỏ thật xúc động ngay tại vùng biển đảo linh thiêng của Tổ quốc. Có những sỹ quan chỉ huy đã hàng chục năm lênh đênh trên các đảo. Có những người lính đã vài ba năm sống trên đảo. Xa xôi và thiếu thốn đủ thứ, khó khăn và gian khổ mọi bề… Đã từng có kinh nghiệm nhiều năm làm phim, trái tim người đạo diễn đã từng rung lên trước nhiều  cảnh đời, số phận. Nhưng chỉ khi đến với Trường Sa, đạo diễn Đào Thanh Tùng mới cảm nhận được đầy đủ nhất tình người nơi đảo xa, một phần máu thịt của Tổ quốc. Và đó cũng là lần đầu tiên, cảm xúc trong anh khó diễn tả thành lời.

Nỗi nhớ giữa hai bến bờ

Sản xuất phim tài liệu phụ thuộc chủ yếu vào những gì xảy ra trong thực tế. Chính không gian bao la, cuộc sống sinh động ngoài đảo đã nói lên tất cả. Người làm phim chỉ cần dùng máy quay để thu tất thảy vào ống kính. Điều kiện vật chất ở Trường Sa còn thiếu thốn, song thứ mà chưa bao giờ thiếu ở nơi đây là tình cảm con người. Tại đảo Trường Sa Lớn, vừa có thêm một ngôi chùa nữa được xây dựng, đây là ngôi chùa thứ 3 trong quần đảo Trường Sa. Người trông coi chùa là gia đình anh Nguyễn Tấn Thi - một trong 7 gia đình đang sinh sống ở Trường Sa Lớn. Anh Thi là cha của bé gái Nguyễn Ngọc Trường Xuân - công dân nhỏ tuổi nhất được sinh ra tại quần đảo. Ngày bé ra đời, cả đảo hồi hộp đón mừng. Đã có hẳn một cầu truyền hình được thiết lập, các bác sĩ bệnh viện 175 ở đầu cầu đất liền chỉ đạo mổ đẻ cho các chiến sĩ quân y trên đảo. Tên của cháu được đặt theo tên của các bác sĩ đã giúp cho cháu sinh thành.

Và tất nhiên, bộ phim làm về sóng viễn thông trên đảo nên đạo diễn Đào Thanh Tùng không thể bỏ qua những chi tiết liên quan đến chiếc điện thoại. Bản thân bố mẹ, vợ con của bộ đội ra thăm đảo đã là món quà nhiều ý nghĩa với người lính biển. Nhưng còn một món quà khác cũng vô cùng quan trọng với người trên đảo không phải bánh kẹo, cà phê, thuốc lá… mà là những chiếc thẻ cào điện thoại di động. Bộ đội trên đảo hàng tháng dùng hết 400 nghìn đồng tiền điện thoại để thỏa nỗi nhớ đất liền. Như vậy, nỗi nhớ giữa hai bến bờ nằm trên sóng viễn thông. Không còn “điểm mù” về thông tin, bộ đội trên đảo cảm thấy như được gối đầu tựa lưng vào đất liền. Khi nào bản tin thời tiết thông báo bão vào biển Đông, điện thoại trên đảo luôn bị… cháy sóng.

Bộ phim tài liệu “Câu chuyện nhỏ trên biển lớn” của đạo diễn Đào Thanh Tùng không có tham vọng lớn lao, nói những điều to tát mà chỉ là góp tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng quần đảo Trường Sa.