Câu chuyện ly kỳ của một vận động viên bóng rổ nhà nghề Mỹ vô tình bị bắt giữ ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tháng 1-2020, Jeff Harper - vận động viên bóng rổ nhà nghề của Mỹ vừa đến thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) được 1 tuần thì không may xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Anh bị bắt giam đúng lúc Trung Quốc bắt đầu bùng phát đại dịch Covid-19. Nhờ sự giúp đỡ của bạn gái và Peter Humphrey - người cũng từng bị dính vòng lao lý ở Trung Quốc, Harper vừa được thả tự do mà không tin mình có thể về nhà.

Harper cao hơn 2m. Anh đến thành phố Thâm Quyến (miền Nam Trung Quốc) với hy vọng có được một hợp đồng mới sau khi đầu quân ở Na Uy, Nhật Bản và một loạt các quốc gia khác. Rạng sáng 7-1, vừa đi chơi với bạn về, Harper nhìn thấy cuộc ẩu đả giữa 1 người đàn ông và 1 phụ nữ trên đường liền lao vào can ngăn.

Bị chàng trai người Mỹ đẩy ngã xuống đường, người đàn ông bỏ đi. Harper và bạn hỏi thăm người phụ nữ thì cô ta cho biết mình ổn. Nhiều giờ sau, cảnh sát ập vào khách sạn thông báo rằng, người đàn ông mà Harper xô ngã đã phải nhập viện và đang hôn mê. Harper nhắn tin cho cô bạn gái Victoria Villareal (ở bang Idaho, Mỹ): “Anh đang gặp rắc rối”.

Mắc kẹt ở Thâm Quyến

Villareal nói chuyện với Harper khi anh ở đồn cảnh sát. Khi đó, họ đang quyết định có buộc tội anh hay không trước khi tịch thu điện thoại và hộ chiếu. Tài liệu của cảnh sát cho biết, Harper bị điều tra vì sơ suất gây thương tích nghiêm trọng. Vận động viên này không chối bỏ việc đã xô đẩy người đàn ông, nhưng anh nói rằng “người ấy trông không có vẻ bị thương nặng” lúc rời khỏi hiện trường.

Ngày 20-1, Harper được chuyển từ trại tạm giam đến tòa chung cư “để giám sát dân cư”, một loại hình mà người ta có thể bị giam giữ tới 6 tháng mà không cần khởi tố. Anh được thông báo người đàn ông kia đã chết. Ở đó, anh gần như hoàn toàn cô lập, không được đọc bất cứ thứ gì và chỉ giao tiếp lẻ tẻ với thế giới bên ngoài. Suốt nhiều tháng, Harper không hề biết loại virus mới đang lây lan ở Trung Quốc. Quan chức lãnh sự không còn có thể trực tiếp đến thăm anh. “Tôi đã từng khóc vì không thể nói chuyện với Victoria. Không ai nói được tiếng Anh, tôi đã cố gắng sử dụng ứng dụng phiên dịch nhưng chẳng ra sao cả”.

Trong khi đó, Villareal điên cuồng tìm các luật sư ở Thâm Quyến, liên hệ với các nhà ngoại giao Mỹ, gửi email và gọi điện cho bất kỳ ai có chút kinh nghiệm có thể giải quyết được việc này. Tình cờ, cô liên hệ với Peter Humphrey (64 tuổi, vốn là một nhà báo, nay chuyển sang nghề điều tra) - người khá am hiểu về hệ thống luật pháp Trung Quốc.

Hồi năm 2013, chính Humphrey đã bị bắt giam ở Trung Quốc trong 2 năm vì một tội mà ông khẳng định rằng mình không phạm phải. “Tôi hiểu những điều đó, tôi đã có trải nghiệm tương tự. Đó là lý do tôi mở lòng sẵn sàng giúp một số người trong hoàn cảnh này” - ông Humphrey nói. Đối với Villareal, kinh nghiệm và lời khuyên của Humphrey là vô giá: “Nếu tôi không quen biết Peter, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều, Jeff Harper có thể đã không được ở nhà như hiện giờ” - cô nói.

Người cố vấn

Humphrey mang quốc tịch Anh, lần đầu tiên ông đến Trung Quốc khi còn là một sinh viên 23 tuổi. Đó là năm 1979, ông tham gia một chương trình trao đổi kéo dài 2 năm tại Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh, sau đó ở lại làm chuyên gia. Sau giờ giảng dạy, ông đã đi khắp Trung Quốc vào thời điểm mà việc đi lại của các công dân nước ngoài bị hạn chế rất nhiều.

Quan tâm đến báo chí, ông bắt đầu làm việc tự do cho một số ấn phẩm cũng như có một thời gian ngắn tham gia vào đội ngũ sáng lập của tờ China Daily năm 1981. Humphrey sau này làm việc cho nhiều hãng thông tấn có tên tuổi như South China Morning Post, Reuters... Thời điểm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, ông chuyển nghề và bắt đầu sử dụng các kỹ năng báo chí của mình để tư vấn, điều tra các giao dịch sai sót của nhiều công ty. Năm 2003, Humphrey cùng vợ là Yu Yingzeng đồng sáng lập Công ty ChinaWhys, đón bắt làn sóng các công ty đa quốc gia đổ xô vào Trung Quốc sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001.

Tháng 4-2013, ChinaWhys được thuê để điều tra các cáo buộc về Tập đoàn dược toàn cầu Glaxo Smith Kline (GSK) đã trả tiền cho các bác sĩ ở Trung Quốc để họ kê đơn thuốc của công ty. Cuối năm 2014, GSK bị kết tội hối lộ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh và buộc phải nộp phạt gần 500 triệu USD. Nhưng nhà chức trách Trung Quốc cũng chú ý đến Humphrey và Yu, cáo buộc họ lấy thông tin cá nhân bằng “các phương tiện bất hợp pháp”. Cặp đôi bị bắt vào tháng 7-2013 và hơn 1 năm sau, tòa án kết án Humphrey 2,5 năm tù, trong khi vợ ông nhận bản án 2 năm.

Trước khi bị xét xử, Humphrey cũng đã trải qua nhiều tháng tại Trung tâm giam giữ Thượng Hải trước khi bị chuyển đến nhà tù Qingpu vào giữa năm 2014 ở ngoại ô thành phố. Tại đây, ông bị giam trong một khu đặc biệt dành cho các tù nhân nước ngoài. Ông đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt trước khi bị bắt, nhưng giám thị nói ông chỉ được khám và điều trị nếu chịu ký vào bản thú tội. “Trong suốt 2 năm đó, tôi gặp nhiều tù nhân và hầu hết họ nhận không đúng bản án của mình” - Humphrey kể.

Vào tháng 4-2015, sau 21 tháng tác động từ bên ngoài, Humphrey được đưa đi chụp MRI tại một bệnh viện địa phương. Kết quả, ông có một khối u trong tuyến tiền liệt. Cuối cùng, sau khi vợ chồng ông ký vào một tuyên bố không thừa nhận bất kỳ hành vi phạm tội nào mà họ bị cáo buộc, cặp đôi đã được thả. Tại quê nhà, Humphrey ngay lập tức được xạ trị để chữa ung thư. Các bác sĩ nói rằng, nếu được điều trị sớm hơn 2 năm, tình trạng sức khỏe của ông không nặng như vậy.

Humphrey cũng bắt đầu tìm kiếm công lý. Vợ chồng ông làm đơn kiến nghị về sự ngược đãi, bất công đã phải chịu ở Thượng Hải và đệ trình lên chính quyền Bắc Kinh. Họ cũng kiện GSK lên tòa án tại Mỹ, nơi công ty này đặt trụ sở và hiện giờ vụ kiện vẫn đang diễn ra. Kể từ khi trở về Anh, Humphrey vừa chiến đấu chống bệnh ung thư, vừa trở thành cố vấn cho những trường hợp khác muốn chứng minh mình không có tội.

Phiên tòa xét xử nhà điều tra người Anh Peter Humphrey liên quan đến bê bối hối lộ của tập đoàn dược GSK ở Thượng Hải tháng 8-2014

Phiên tòa xét xử nhà điều tra người Anh Peter Humphrey liên quan đến bê bối hối lộ của tập đoàn dược GSK ở Thượng Hải tháng 8-2014

Thắng lợi hiếm hoi

Sáng sớm ngày 20-8-2020, Villareal nhận được tin nhắn từ luật sư của Harper nói rằng họ sẽ đến thăm anh. Cô hoảng sợ vì lần cuối họ gặp nhau là khi người đàn ông mà Harper xô ngã qua đời. Nhưng khi gọi qua video, Harper đang đứng cùng các luật sư chứ không phải phòng giam. Điều đó khiến Villareal rất đỗi ngạc nhiên và được giải thích là vài giờ trước đó, một công tố viên đã đến gặp Harper đưa cho anh một văn bản nói anh vô tội. Bản thân Harper khi ấy cũng không thể tin nổi.

Villareal đã gửi email cho Humphrey văn bản chính thức của công tố viên về việc không theo đuổi vụ việc cũng như dỡ bỏ giám sát dân cư. “Tôi chưa bao giờ thấy dạng tài liệu này trong đời. Không phải cáo trạng, cũng không có cáo buộc, nó đơn giản chỉ nói đến việc trả lại hộ chiếu và được đi lại tự do” - ông Humphrey nói. Nhưng đọc kỹ, ông lưu ý, văn bản nói rằng nếu gia đình nạn nhân không đồng ý với quyết định này, họ có thể kháng cáo…

Ông Humphrey cảnh báo Villareal rằng thử thách vẫn chưa kết thúc. Và Harper cũng không thể đến sân bay ngay lập tức do anh phải xin thị thực xuất cảnh vì nó đã hết hạn từ lâu. Sau 10 ngày ngồi trong khách sạn chờ đợi điều tồi tệ nhất, Harper đã nhận được con dấu cần thiết và đến Quảng Châu để bay về Mỹ. Ngay cả khi đã cất cánh, Harper vẫn không tránh khỏi nỗi lo sợ máy bay có thể hạ cánh khẩn cấp hoặc quay ngược lại. “Tôi đã ngồi nguyên một chỗ và không di chuyển trong hơn 13 giờ đồng hồ. Cho đến khi đi qua cửa kiểm tra của hải quan Mỹ thì tôi mới cảm thấy mình được tự do” - anh kể.

Cuối cùng, sau một chuyến bay nối chuyến khác, anh được đoàn tụ với Villareal. Cặp đôi dự định kết hôn khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Harper sẽ tập trung vào việc dạy bóng rổ cho trẻ em và không ra nước ngoài làm việc nữa.

Đối với Humphrey, trường hợp của Harper là một thắng lợi hiếm hoi trong sự nghiệp hỗ trợ những người nước ngoài không may rơi vào vòng pháp lý ở Trung Quốc. “Đây lại là một kết thúc có hậu” - ông nói.

Sau 10 ngày ngồi trong khách sạn chờ đợi điều tồi tệ nhất, Harper đã nhận được con dấu cần thiết và đến Quảng Châu để bay về Mỹ. Ngay cả khi đã cất cánh, Harper vẫn không tránh khỏi nỗi lo sợ máy bay có thể hạ cánh khẩn cấp hoặc quay ngược lại. “Tôi đã ngồi nguyên một chỗ và không di chuyển trong hơn 13 giờ đồng hồ. Cho đến khi đi qua cửa kiểm tra của hải quan Mỹ thì tôi mới cảm thấy mình được tự do”.