Câu chuyện khởi nghiệp: "Khó khăn, thất bại khiến tôi thêm… tự tin"

ANTD.VN - Ghi dấu ấn thành công trong lĩnh vực điện thoại thông minh và phụ kiện, nhưng hiện giờ, ông chủ của Turnviet đình đám một thời lại đang chuyên doanh… camera hành trình, gạt mưa Đức và các phụ kiện cho xe hơi. Tất cả sự chuyển hướng này diễn ra trong vỏn vẻn một năm, sau khi anh đầu tư phần lớn gia sản để mua địa điểm kinh doanh smartphone. Lĩnh vực mới đòi hỏi anh phải thay đổi toàn bộ chiến lược của mình, nhưng thay vì lúng túng, anh vẫn tự tin đón nhận xu hướng. Bởi anh tâm niệm “đã khởi nghiệp, càng khó khăn, thất bại, càng thêm… tự tin”. Anh là Dương Đình Chinh, hiện sở hữu thương hiệu Carcam Việt Nam và độc quyền phân phối gạt mưa Heyner của Đức.

Từ Turnviet sang… Carcam, vẫn một phong thái “chắc như đinh đóng cột”

Trong làn sóng khích lệ khởi nghiệp (startup) hiện nay ở Việt Nam, có nhiều câu chuyện và tấm gương để những người đam mê kinh doanh tham khảo và học hỏi. Theo thống kê của công ty CB Insights (Mỹ), có tới 70% số startup thất bại sau 20 tháng khởi nghiệp. Bởi vậy, câu chuyện của startup luôn song hành 2 dư vị: Hào hứng và… đắng cay. Khởi đầu rất hay ho, nhiều ý tưởng, nhưng thương trường không phải chỗ dành cho sự nổi hứng bất chợt, mà thực sự là nơi kiểm nghiệm khắt khe với tiêu chí “đường dài mới biết ngựa hay”…

Tôi có cơ hội tiếp xúc lần đầu với anh Dương Đình Chinh – từng là chủ thương hiệu Turnviet và hiện đang sở hữu thương hiệu Carcam Việt Nam – một cách rất đặc biệt.

Là người đi học ở Đức về, anh mở chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại BlackBerry và phụ kiện trên nhiều tuyến phố lớn, giành được những thành công đáng kể trong làng smartphone những năm vừa qua. Khi đã bước lên ngưỡng khiến nhiều người mong ước, anh tạm gác lại công việc, và… đi học báo chí.

Nhờ vậy, tôi biết anh ở lớp báo chuyên nghiệp, và cứ băn khoăn mãi câu hỏi “tại sao một chủ thương hiệu thành công mà vẫn còn… đi học lĩnh vực khác?”

Khi nghe câu hỏi đó, anh chỉ cười, và bảo “cái gì không biết thì phải học, làm báo là cái cốt căn bản của truyền thông…”. Suy nghĩ đó lập tức khiến tôi và nhiều người nể phục anh, vì tư duy “biết mình biết người” và không ngừng học những điều thực tế, có ích.

Anh Dương Đình Chinh (phải) trong một buổi thuyết trình và thương thảo với đối tác Đức

Ngày đó, khi chơi với anh, điều khiến mọi người ấn tượng là phong thái bình tĩnh, tự tin tới lạ kỳ của người đàn ông “8x đời đầu” này. Khó có tình huống nào khiến anh lo lắng, bất an, dù khi đang học phải nghe tin không vui từ cửa hàng, hay một thông tin bất lợi trong kế hoạch kinh doanh...

Tất cả đều được anh tiếp nhận rất bình thản, vì anh bảo “cái khó nào cũng sẽ có một lối ra, một hướng đi, lựa chọn hợp lý nhất”.

Sở hữu 3 cửa hàng bán điện thoại BlackBerry và phụ kiện ở 3 phố lớn tại Hà Nội, cùng kinh nghiệm của hàng chục chuyến đi sang nước bạn tìm hàng, kiểm hàng và mang về Việt Nam, tưởng như anh sẽ gắn bó cả đời với cái nghiệp thiết bị cầm tay thông minh ấy, thì bỗng dưng vào một ngày, anh chuyển sang… camera hành trình và các món “đồ chơi xe hơi”, theo cách không ai ngờ tới.

Mỗi sự chuyển đổi đều khiến người ta phải đắn đo, chật vật để thích nghi, nhất là khi họ đã giành được thành công trước đó ở một lĩnh vực khác. Nhưng dường như với Dương Đình Chinh, mọi thứ lại nhẹ nhàng tới mức ai cũng ngỡ ngàng, trừ… anh.

“Đang thăng hoa với smartphone và phụ kiện, tới mức mình rút hẳn khỏi những cửa hàng đang thuê với giá hàng chục triệu đồng mỗi tháng để dồn tiền mua một căn nhà mặt phố, làm nơi vừa ở, vừa kinh doanh cho thuận tiện. Nhưng thị trường thay đổi quá nhanh, lĩnh vực này bị cạnh tranh và xuống giá khủng khiếp so với ban đầu, nên mình phải tính hướng khác”, anh giãi bày khi nhìn lại sự chuyển đổi bước ngoặt vừa qua.

Bằng sự nhanh nhạy của một người làm kinh doanh có nghề, anh đã lựa chọn camera hành trình và phụ kiện xe hơi làm lĩnh vực đầu tư mới của mình, với thương hiệu Carcam Việt Nam.

Nhưng… khổ nỗi, “đồ chơi xe hơi” và smartphone/phụ kiện điện thoại lại chẳng có mấy điểm chung, nhất là ở khoản… địa điểm.

“Căn nhà mặt phố vừa mua có diện tích vừa phải, phù hợp với bán smartphone và phụ kiện, thì lại thành không hợp với việc lắp ráp cho xe hơi, vốn đòi hỏi diện tích lớn hơn nhiều. Trong một khoảnh khắc, mình quyết định cho thuê nhà, để dồn tiền thuê xưởng ô tô tại Lê Văn Lương, cho phù hợp với định hướng mới”, anh Dương Đình Chinh chia sẻ với thái độ điềm tĩnh.

Khi chuyển sang lĩnh vực mới, khả năng thành công là 50/50, và cũng có thể chỉ là 10/90, với 10 phần ít ỏi tích cực… Bởi như anh nói, “lĩnh vực mới đối với mình nhưng đã cũ với rất nhiều người khác. Muốn thành công, phải tìm ra thứ mới mẻ đối với chính những người giàu kinh nghiệm về nó. Đó là bí quyết của mình khi làm startup. Muốn thắng, phải… không giống ai!”

Thành công gắn liền với bản hợp đồng độc quyền gạt mưa Heyner (Đức)

Carcam Việt Nam gia nhập thị trường camera hành trình và phụ kiện xe hơi trong hoàn cảnh “tuổi đời” của các đối thủ đều đã già dặn.

Chiến lược ban đầu của startup này được anh Dương Đình Chinh hướng tới là camera chất lượng, dễ sử dụng, nhưng giá thành phải hợp túi tiền của phần đông người tiêu dùng.

“Từ những camera nhập nguyên chiếc, tới giờ, bên mình đã xây dựng được thương hiệu camera hành trình riêng của Carcam Việt Nam. Từ tên mác cho tới sản phẩm, tất cả đều được thiết kế riêng cho thương hiệu của mình. Đó là niềm tự hào rất lớn, mà khi bắt đầu chuyển đổi lĩnh vực, mình chưa dám nghĩ tới”, anh Chinh bộc bạch.

Nhưng nếu chỉ nói đơn thuần như vậy, nhiều người sẽ không tưởng tượng ra cả “núi” khó khăn chất chồng mà những “thuyền trưởng” của startup này phải chèo lái. Khó khăn đầu tiên là về sản phẩm, khi mọi thứ quá mới mẻ, thậm chí là “mù mịt”.

Bản hợp đồng phân phối độc quyền gạt mưa Heyner của Đức tại thị trường Việt Nam là một thành công ngoài sức tưởng tượng của Carcam Việt Nam

“Mình chưa biết chọn bán cái gì là chủ đạo, rồi bán ở khu vực đối tượng khách hàng nào để hiệu quả. Mình đã chọn đầu DVD ô tô và camera hành trình là 2 thứ mà thị trường đang cần nhiều. Khu vực dễ bán nhất chính là trên các diễn đàn ô tô trực tuyến , nơi mà mình cũng sinh hoạt khá lâu. Tiếp đến, muốn bán được nhiều, thì phải làm được thương hiệu cho riêng mình, nhập khẩu chính ngạch, tuyển nhân viên kinh doanh... Lúc này lại là bài toán về tài chính và tổ chức, rất đau đầu, mặc dù thị trường vẫn tiếp tục tăng và đổi mới về nhu cầu. Khó khăn này chưa qua, khó khăn lại ập đến, khi thợ cả xin nghỉ đột ngột, mình phải xoay xở giữa bộn bề lo lắng”, anh Dương Đình Chinh nhớ lại những ngày chuyển đổi đầu tiên đầy gian nan, nhọc nhằn.

Song với tâm thế bình thản và tự tin, Carcam Việt Nam dần ghi được những dấu ấn đáng kể. Và điều tự hào nhất mà người chủ thương hiệu này muốn chia sẻ lúc này, chính là bản hợp đồng phân phối độc quyền gạt mưa Heyner của Đức tại thị trường Việt Nam.

Anh bảo, trong các món linh, phụ kiện, phụ tùng cho xe hơi, gạt mưa là thứ rất quan trọng, dùng một thời gian là hỏng, cần thay thế. Nhưng các loại gạt mưa hiện có trên thị trường, hoặc là rất đắt đỏ (với hàng chính hãng, tùy từng dòng xe, đặc biệt là các dòng cao cấp), hoặc rất rẻ nhưng chất lượng kém.

Sau vài đêm suy nghĩ, anh đã quyết tâm lên đường, trở lại Đức và tìm cơ hội với sản phẩm gạt mưa Heyner rất đặc biệt.

“Loại gạt mưa này đặc biệt ở chỗ, có thể lắp cho mọi loại xe, kể cả Porche, Mercedes các đời… Và giá thành rất hợp lý, nếu không muốn nói là rẻ, so với nhiều loại khác cùng chất lượng. Thiết kế thông minh của sản phẩm khiến mình trở nên tham vọng, và cuối cùng đàm phán thành công với nhà sản xuất của Đức để trở thành đối tác phân phối chính hãng gạt mưa Heyner tại thị trường Việt Nam. Đó là một sự khẳng định tuyệt vời”, anh Dương Đình Chinh hào hứng kể về thành công mới nhất mà Carcam Việt Nam làm được.

Dẫu vậy, dường như chưa có một phút nào người chủ thương hiệu ấy cho phép mình được thảnh thơi, mà luôn đặt ra những cột mốc mới trong quãng đường trước mắt. Anh bày tỏ, trong nghiệp kinh doanh và tư thế của mình vẫn đang là startup, thì chỉ cần ngủ quên một ngày, ngày mai thức dậy là mình đã bị tụt hậu và hoàn toàn có thể phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Mà với startup, thất bại đồng nghĩa với việc cơ hội làm lại khó hơn nghìn lần.

"Làm startup, muốn thành công, thì phải... sống chết với sản phẩm và dịch vụ", anh Chinh khẳng định

“Kinh nghiệm thì có thể các bạn làm startup chưa có, nhưng chắc chắn được nghe rất nhiều nhưng lại không làm theo. Họ thích những ngôn từ mỹ miều, cao sang như: Doanh nhân, chủ tịch, CEO, nhà đầu tư... hơn là một anh chủ cửa hàng điện thoại, chủ cửa hàng giặt là, hay một nhân viên kinh doanh kỳ cựu... Startup cũng là một cách chọn nghề, chọn sản phẩm, chọn dịch vụ và tự mình phát triển chúng. Các bạn trẻ đi tham gia nghe giảng nhiều, có thể thuộc hết các công thức đưa một sản phẩm, dịch vụ phát triển, nhưng lại thiếu nhiều thực tế và sự vật lộn với dịch vụ, hàng hóa mình đã chọn. Hãy sẵn sàng là một chuyên gia về sản phẩm, dịch vụ, trước khi phát triển chúng, chắc chắn bạn sẽ có những khách hàng không nhỏ ngay từ đầu. Muốn nhanh trở thành chuyên gia cho sản phẩm dịch vụ mình đã chọn, chỉ có cách vật lộn với chúng, ăn ngủ cầm tay, đầu từ thời gian nghiên cứu, thực hành kiểm nghiệm thực tế mọi thứ liên quan”, đó là sự chiêm nghiệm mà anh Dương Đình Chinh tự dành cho mình, và dành cho những người có đam mê kinh doanh, làm startup.

Xem ra, thành công quả luôn song hành với sự kiên trì, bền bỉ và chấp nhận mọi khó khăn. Câu chuyện mà chủ thương hiệu Carcam Việt Nam chia sẻ đã vẽ ra bức tranh đủ đầy màu sắc, mà chỉ những người dám nghĩ, dám làm và không bỏ cuộc mới có thể cầm cọ lên để bắt đầu… vẽ.