Câu chuyện hoa hồng của những "nữ cửu vạn"

ANTĐ - 11 giờ đêm, từ các ngõ ngách tối tăm, sâu thăm thẳm của xóm trọ lao động ngoại tỉnh dưới chân cầu Chương Dương, những người phụ nữ nai nịt gọn gàng bắt đầu í ới gọi nhau, lao xao chuẩn bị đi làm.

Họ là những nữ “cửu vạn” làm nghề gánh thuê ở chợ Long Biên, những đồng tiền họ kiếm được thực sự được đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu.

“Cứ khô mồ hôi là ngơi bát cơm”

Ngày nào cũng vậy, giờ làm việc của những người phụ nữ này bắt đầu từ nửa đêm cho tới rạng sáng. Đồ nghề của họ đơn giản chỉ là một chiếc đòn gánh “thửa” bằng tre cật thật to và thật dẻo để có thể chịu được sức nặng lên tới cả trăm ki lô gam, cùng với một đoạn dây thừng thật to, thật chắc và hơn hết là đôi vai dẻo dai đã quen với nhọc nhằn, vất vả.

Trời se lạnh nhưng không khí trong chợ lại nồng nặc, đặc quánh hơi người, quên hết cái uể oải của cơn buồn ngủ, những người phụ nữ gánh thuê bỗng trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn, họ xăm xắn tìm cho mình một mối hàng quen hoặc nhanh nhảu mời chào, ai cũng mong được sớm bắt tay vào công việc. Mỗi gánh hàng, tùy theo cân nặng, họ được chủ hàng trả từ 7.000 - 8.000 đồng. Mỗi đêm, người khỏe lắm cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng, trang trải đủ thứ tiền ăn, tiền thuê trọ, số tiền còn lại “bỏ lọ” cũng chẳng nhiều nhặn gì, song họ vẫn miệt mài bám trụ lấy mảnh đất để tìm kế sinh nhai bởi về quê chỉ biết “nhìn nhau mà chết đói”.

Xoa xoa đôi bàn tay bầm đỏ vẫn còn hằn nguyên vết dây thừng với những ngón sưng phồng, sần lên nốt chai sạn sù sì thô ráp, chị Lê Thị Hợi (34 tuổi, Phú Thọ) cười hiền lành: “Làm nghề này cực lắm, hôm nào về người cũng đau nhừ tử, không để ý bị va vào xe hàng thì sứt da, chảy máu là chuyện thường, ở quê làm nông thì sướng hơn nhiều, nhưng cả ngày chẳng kiếm đâu ra nổi 5.000 đồng”. Chị Hợi đã có “thâm niên” 2 năm làm “cửu vạn” cho biết, những người phụ nữ làm nghề này, giỏi lắm cũng chỉ trụ được 5, 6 năm là phải bỏ nghề đi tìm việc khác, vì chỉ sau vài năm làm công việc vất vả này, người nào cũng mắc bệnh về cột sống, xương khớp...

 

Như bao chị em cùng cảnh khác, chị Hợi thuê trọ trong một căn nhà tồi tàn, sinh hoạt chỉ ở mức tối giản, tối thiểu. Mỗi ngày, chị chỉ dám ăn những bữa cơm giá chưa tới 5.000 đồng, ngủ trọ giá 2.500 đồng/người/đêm. Trong thời điểm giá cả vùn vụt phi mã nên dù lao động quần quật và tằn tiện chi tiêu như vậy, nhưng mỗi tháng chị cũng chỉ gửi về cho gia đình được 3-4 triệu đồng. Song với gia đình và với mức sống ở vùng quê bán sơn địa nghèo khó của chị thì đó là một số tiền “giải quyết được vô số việc”. Với số tiền chẳng thấm tháp vào đâu so với mức sống ở thành phố đó, vợ chồng chị đã dựng được căn nhà khang trang, lo cho các con ăn học đầy đủ, bởi lẽ đó mà dù phải kiếm tiền bằng mồ hôi, thậm chí là cả máu, chị Hợi vẫn quyết bám trụ.

Mỗi người phụ nữ làm cái nghề này đều giắt theo mình một lọ dầu gió hay mấy lá cao như một vật “bảo hộ” phòng những lúc ê ẩm, đau nhức. Cứ sau mỗi buổi làm việc là một ngày toàn thân rệu rã, bải hoải, song họ lại coi những nhức mỏi như vậy là một điều may mắn bởi nó báo hiệu một ngày lao động “năng suất”. Hôm nay là một đêm không “năng suất” lắm của chị Bùi Thị Trang (32 tuổi, Hưng Yên).

Chị Trang mới theo chân một người bà con lên chợ Long Biên làm nghề gánh thuê được một tuần nay. Ngày đầu tiên ra chợ, đặt lên vai gánh hàng nặng 60kg mà chân chị như muốn khuỵu xuống, hai mắt tối sầm lại, chị phải loạng quạng một lúc mới đứng vững nổi. Đêm ấy về phòng trọ, lưng chị tưởng như gãy sụn, mỗi lần trở mình lại nghe tiếng những đốt sống kêu răng rắc, toàn thân đau như vừa bị tra tấn, thế nhưng chỉ ngay hôm sau, khi nghĩ tới những đồng tiền kiếm được, chị lại hăng hái ra chợ để bắt đầu ngày làm việc mới. Chị Trang thà chịu đau còn hơn được nghỉ ngơi trong cảnh ế ẩm rồi ra về với hai bàn tay trắng. Gánh áo cơm còn nặng hơn những gánh hàng.

Vừa thoăn thoắt cuộn lại đám dây thừng, chị Phùng Thanh Liên (28 tuổi, Thái Bình) vừa xởi lởi chuyện trò, chia sẻ về cái nghề cực nhọc của mình. Chị kể về một người “đồng nghiệp” vừa phải “giải nghệ” sớm vì một tai nạn xe cộ lúc gánh hàng băng qua đường, sau tai nạn ấy, người bạn chị bị tật vĩnh viễn ở chân, đi lại khập khiễng nên đành bỏ nghề về quê. Cũng theo lời kể của chị, chuyện tai nạn ở đây không phải hiếm, đã có những người bị những thùng hàng đè gãy tay, gãy chân, lại có người va quệt vào ô tô, bị xe máy đâm trong khi đang gánh gồng... hầu hết những người phụ nữ ấy đều không thể tiếp tục hành nghề.

Vả lại, cái nghề này không chỉ có những đe dọa trước mắt mà còn tiềm tàng những hậu quả nặng nề về sau, đó là những chấn thương dai dẳng mà mỗi khi trái gió trở trời lại nhức nhối, ê ẩm. Biết là vậy, nhưng vì miếng cơm, manh áo mà những người phụ nữ này vẫn phải gồng mình, oằn vai gánh những gánh hàng còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể, bất chấp những thớ thịt phải căng lên vì gắng gượng, bất chấp làn da bên dưới manh áo sờn bạc đang rớm máu.

Những phụ nữ không có hoa hồng

Sau ngày 8/3, những bông hồng héo rũ, được gom thành đống vứt lẫn lộn với rác rưởi, nom buồn rầu, ủ rũ. Không xa bên đống phế thải ấy là những người phụ nữ gánh gồng đang nhấp nhổm chờ vào ngày lao động mới. Họ nhìn những bông hồng ấy với ánh mắt thờ ơ, hờ hững như thể chúng chẳng bao giờ dành cho họ, chúng chỉ dành cho những người phụ nữ ăn vận sang trọng, làm công việc nhẹ nhàng và không phải ăn bữa nay, lo bữa mai. Đối với những người phụ nữ đang đeo bên mình chiếc quang gánh đã trơn nhẵn, lên nước bóng nhẫy vì mồ hôi này, 8/3 và hoa hồng là những điều xa xỉ và xa lạ.

Trệu trạo nhai chiếc bánh mì khô khốc để lót dạ cho bữa đêm, chị Trang cố nở một nụ cười méo xệch: “Không mang được tiền về còn bị chồng đánh chửi chứ hoa hoét gì!”. Rồi ngân ngấn nước mắt chị lại kể về số phận éo le của mình: chị Trang có một người chồng mê rượu chè, cờ bạc và hai đứa con còn đang học tiểu học. Khi chưa lên đây làm, gia đình chị chỉ trông vào mấy sào ruộng, những ngày nông nhàn, chẳng có việc gì làm, chồng chị lại đi uống rượu rồi dầm mình trong những trò đỏ đen. Cái nghèo khó đã khiến không khí gia đình chị trở nên ngột ngạt, vợ chồng dằn vặt, đay đả nhau chỉ vì không lo nổi 40.000 đồng góp giỗ họ, nghĩ lại cái ngày ấy, chị ngượng ngùng kéo ống tay áo đã sờn rách lên lau hai hàng nước mắt.

 

Những người phụ nữ làm nghề gánh thuê ở chợ đêm Long Biên hầu hết đều “cực chẳng đã” mới cất công từ các miền quê xa xôi, lặn lội lên bám trụ lấy mảnh đất Kẻ Chợ nhộn nhạo, nhiều hứa hẹn mà cũng chẳng thiếu cạm bẫy, hiểm nguy để mưu sinh bằng cái nghề nặng nhọc sánh ngang với các đấng mày râu này. Các chị đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề phụ, không vốn liếng kinh doanh nên đành cắn răng bán sức lao động với cái giá rẻ mạt, họ chẳng trông mong gì hơn là “chân cứng đá mềm”, vì cứ nghỉ bữa nào là “đói” bữa ấy.

Chị Hợi xuề xòa: “Chúng tôi lên đây đều một thân một mình, lúc khỏe mạnh không sao chứ cứ hễ đau ốm là tội lắm, giữa nơi đất khách quê người, chỉ mong sao giời cho dẻo chân dẻo tay là phúc lắm rồi!”. Câu nói ấy của chị Hợi làm không khí trầm lắng hẳn, gương mặt của những người nữ “cửu vạn” ấy chợt thoáng nét tư lự, buồn rầu. Dường như đối với họ, “ngày phụ nữ”, “hoa”, “quà” và những “lời chúc” là những khái niệm thật xa vời ở một thế giới khác, còn cuộc sống của họ chỉ thuần túy là những nỗi lo rất thực, đợi họ ở quê nhà là cả một gia đình cần nuôi sống, là những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, hay là người chồng vũ phu với những đòn roi, chửi rủa luôn chực chờ, đe dọa...

Đưa mắt nhìn sang những bông hồng héo úa đang chất đống gần đó, một người phụ nữ ngả đầu bên đôi quanh gánh chợt thốt lên: “Sao người ta lại phung phí thế nhỉ? Mua cái thứ sớm nở tối tàn ấy, thà rằng để tiền mà ăn...”. Câu nói của chị chìm vào khoảng lặng rồi theo sau là những tiếng thở dài thườn thượt, não nùng. Những người phụ nữ này, trong phút ngơi nghỉ hiếm hoi sau giờ làm việc cực nhọc, lại não nề nghĩ về thân phận lam lũ của mình và thoáng chút chạnh lòng khi nhìn những bông hồng thừa thãi kia, buồn vì một chuyện bâng quơ mà họ vừa vô tình bị kéo vào giữa ngổn ngang nỗi lo cơm áo, gạo tiền.