Câu chuyện “hộ chiếu vaccine” giữa đại dịch Covid-19 chưa đến hồi kết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số quốc gia trên thế giới cho rằng ý tưởng cho phép những người đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được tự do đi lại là lối thoát cho ngành Du lịch và Hàng không, trong khi một số nước lại bày tỏ nghi ngại. Thực tế, đến thời điểm hiện tại, câu chuyện “hộ chiếu vaccine” vẫn chưa đi đến hồi kết.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng “hộ chiếu vaccine” bởi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng “hộ chiếu vaccine” bởi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế

Liên minh châu Âu lên kế hoạch cung cấp “hộ chiếu vaccine” giúp người dân tự do đi lại

Loại giấy tờ này sẽ là bằng chứng về việc tiêm chủng phòng ngừa dịch Covid-19 cũng như kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2, cho phép người dân di chuyển an toàn trong Liên minh châu Âu (EU) hoặc ngoài EU để làm việc hoặc du lịch. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây đã cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp loại “Giấy thông hành xanh” về tiêm chủng vaccine từ tháng 3-2021, trong bối cảnh khối đang nỗ lực tăng cường miễn dịch cộng đồng đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Trên mạng xã hội Twitter, bà Ursula von der Leyen nêu rõ: “Trong tháng này, chúng tôi sẽ trình một đề xuất luật về Giấy thông hành xanh kỹ thuật số”. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, loại giấy tờ này sẽ là bằng chứng về việc tiêm chủng phòng ngừa dịch Covid-19 cũng như kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Giấy thông hành sẽ cho phép người dân được di chuyển an toàn trong EU hoặc ra ngoài EU để làm việc và du lịch.

Trong một diễn biến khác, tại một cuộc họp với các Nghị sĩ Đức và EU, bà Ursula von der Leyen cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tìm cách tạo một cơ chế kỹ thuật để chứng nhận tiêm chủng dưới dạng kỹ thuật số, dựa trên thông tin tương đương ở tất cả 27 nước thành viên. Trước đó, Chủ tịch EC khẳng định các loại chứng chỉ tiêm chủng sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt của EU. Trong khi đó, Phó Chủ tịch EC Margarittes Schinas cho biết, dự luật của EC sẽ được trình Nghị viện châu Âu (EP) vào ngày 17-3 tới, sau đó sẽ được đưa lên lãnh đạo EU thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 25-3.

Khái niệm “Giấy thông hành xanh” của EU giống như loại giấy tờ đang được Israel sử dụng - đó là một loại chứng nhận bằng giấy hoặc bằng bản mềm trên điện thoại, cho phép chủ nhân của giấy tờ này được vào các khu vui chơi giải trí, các trung tâm thể thao và nhà hàng. Tuy nhiên, EU vẫn đang tranh cãi về việc loại giấy tờ này sẽ được sử dụng như thế nào trong khối. Các nước phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp hay các nhóm vận động hành lang ngành Hàng không đều muốn tài liệu này được coi như “hộ chiếu vaccine”, cho phép những người đã tiêm phòng không phải xét nghiệm hay trải qua cách ly.

Mặc dù vậy, hầu hết các nước EU, dẫn đầu là Pháp và Đức, lại cho rằng việc cung cấp chứng nhận tiêm chủng là quá sớm khi tỷ lệ dân số châu Âu được tiêm là rất ít, trong khi các loại vaccine được EU phê chuẩn đến nay đều yêu cầu phải tiêm 2 liều mới hiệu quả. Các nước này lo ngại nếu coi đó là một tấm “hộ chiếu vaccine” thì đa phần người dân đang chờ đến lượt tiêm phòng sẽ tiếp tục bị hạn chế hoạt động.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã phản đối ý tưởng cấp “hộ chiếu vaccine”, cho rằng loại hộ chiếu này là “vô nghĩa” và “phản châu Âu” vì chúng sẽ gây ra sự phân biệt đối xử.

“Hộ chiếu vaccine” đang gây chia rẽ cộng đồng quốc tế?

Một số quốc gia cho rằng ý tưởng cho phép những người đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được tự do đi lại là lối thoát cho ngành Du lịch và Hàng không đang gặp khó khăn, trong khi một số nước lại bày tỏ nghi ngại bởi đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa.

Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Vùng Vịnh có nền kinh tế dựa vào ngành Du lịch đã thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine”. Cụ thể, ngay từ hồi tháng 1-2021, Hy Lạp đã kêu gọi EU cho phép những người sử dụng “Giấy chứng nhận đã tiêm vaccine” được tự do đi lại trong khối. Hy Lạp đã ký thỏa thuận với Israel cho phép những người đã được chủng ngừa được phép đi lại giữa 2 quốc gia. Cộng hòa Cyprus, vốn phụ thuộc nặng nề vào du khách Anh cho biết cũng đang hướng đến thỏa thuận tương tự với Israel, vốn cũng đang đàm phán với Malta.

Tây Ban Nha, điểm đến mùa hè nổi tiếng nhất châu Âu, xem “hộ chiếu vaccine” có thể là “yếu tố rất quan trọng” để đảm bảo khả năng khôi phục hoạt động đi lại an toàn. Bulgaria và Italia cũng đánh giá “hộ chiếu vaccine” có thể mở đường cho việc khôi phục hoạt động thường nhật. Thậm chí, một số quốc gia ở khu vực Bắc Âu còn có bước tiến xa hơn khi Thụy Điển và Đan Mạch đã triển khai chương trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử để cho phép người dân xuất ngoại tham dự các sự kiện thể thao, văn hóa và thậm chí tới dùng bữa tại các nhà hàng.

Iceland, không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU) song nằm trong khu vực tự do đi lại Schengen cũng đã bắt đầu cấp chứng chỉ tiêm chủng điện tử từ tháng 1-2021 để tạo điều kiện đi lại dễ dàng giữa các quốc gia. Mặc dù vậy, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa ủng hộ ý tưởng sử dụng “hộ chiếu vaccine” để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng “hộ chiếu vacccine” bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.

Về phần mình, Pháp và Đức tỏ ra thờ ơ đối với ý tưởng “hộ chiếu vaccine”. Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran nêu rõ: “Không phải ai cũng được tiếp cận với các vaccine. Và chúng ta không biết liệu chế phẩm này có ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không”. Đức cũng phản đối trao một số đặc quyền cho một nhóm thiểu số đã chủng ngừa, song thừa nhận sẽ rất khó để ngăn cấm các doanh nghiệp tư nhân như nhà hàng chỉ phục vụ những người đã được chủng ngừa.