Câu chuyện đi tìm công lý cho tử tù được thả tự do sau 45 năm biệt giam

ANTĐ - Bị làm giả nhân chứng, vật chứng trong vụ thảm án đâm chết 4 mạng người, rồi phóng hỏa phi tang, sau đó phải chịu đựng 264 giờ trong 23 ngày bị “ép cung”, bị dùng “nhục hình”, cuối cùng Iwao Hakamada buộc phải nhận tội và phải chịu bản án tử hình khi mới 30 tuổi. Sau gần nửa thế kỷ bị biệt giam với “thành tích” người tử tù chờ thi hành án lâu nhất thế giới, ngày 27-3-2014, người đàn ông 78 tuổi luôn giữ nét mặt vô cảm, có phần ngây dại này được tuyên trắng án và được trả tự do…

Tang vật là 5 mẫu quần áo dính máu đều không phải của Hakamada

264 giờ bị “ép cung”?

Khi người chị gái Hideko Hakamada - 81 tuổi tới nhà giam báo tin vui, ông Hakamada gật gà gật gù, lẩm bẩm liên hồi: “Đó là lời nói dối”, “Vụ việc đã kết thúc. Hãy về nhà đi”. Chỉ đến khi người chị mừng quýnh, lấy ra tờ quyết định xét xử lại vụ án của tòa, ông Hakamada mới ngẩn người, tin đó là “sự thật”.

Từng là một võ sĩ quyền Anh chuyên nghiệp, sau khi giải nghệ, Iwao Hakamada xin vào làm nhân viên của Nhà máy sản xuất Miso tại quận Shizuoka (Nhật Bản). Chưa chính thức làm việc ở đây được bao lâu, Hakamada bị cáo buộc đã đâm chết người giám đốc điều hành cùng vợ và hai con của ông này, rồi phóng hỏa tiêu hủy chứng cứ. Vụ thảm án xảy ra vào 30-6-1966. Hai tháng sau (8-1966), dựa vào vết máu và một ít xăng dính trên bộ quần áo ngủ của Hakamada (mặc vào đêm xảy ra vụ án), cơ quan điều tra cáo buộc Hakamada là nghi can số 1. Chưa có bất kỳ một xét nghiệm vật lý nào, phía cảnh sát đã vội vàng phát lệnh bắt giữ Hakamada. 

Trong quá trình xét xử, tòa án quận Shizuoka chỉ chấp nhận một trong số 45 lời khai văn bản của ông Hakamada do chính các công tố viên trình lên. Nhưng ông Hakamada vẫn khẳng định “không có tội”. Ông Hakamada khẳng định, bản thú tội mà các công tố viên trình lên kia là “kết quả” của 264 giờ trong 23 ngày bị “ép cung”, bị “nhục hình” tới mức không được uống nước và đi vệ sinh. “Một trong những người thẩm vấn đã ấn mạnh ngón tay cái của tôi vào một lọ mực, gí điểm chỉ vào một văn bản thú tội đã được viết sẵn, rồi ra lệnh: “Viết tên của mày ở đây!”. Họ vừa la mắng, vừa gõ liên hồi vào cánh tay của tôi” - ông Hakamada bức xúc nói.

Trong vòng trả lời thẩm vấn độc lập đầu tiên với cảnh sát, hai người đồng nghiệp đều khẳng định Hakamada ngủ cùng phòng trong đêm xảy ra vụ việc. Họ rời phòng sau khi có chuông báo động và cùng nhau dập đám cháy. Nhưng những lời khai này đã không được sử dụng tại phiên xét xử của Tòa án quận Shizuoka năm 1968. Luật sư nghi ngờ rằng, rất có thể các nhân chứng đã bị ép cung và buộc phải thay đổi lời khai. Họ khai rằng đã cố gắng dập tắt đám cháy và không biết Hakamada ở đâu lúc đó. Theo các nhân chứng này, họ cũng không thấy Hakamada ở phòng trong đêm trước.

Điều lạ và có nhiều uẩn khúc nhất trong phiên xét xử cách đây 45 năm là bằng chứng quan trọng nhất để bắt giữ Hakamada (vết máu dính trên bộ quần áo ngủ) tại tòa lại được thay bằng 5 mẫu quần áo dính máu (của các nạn nhân và hung thủ) đã được phát hiện bên trong một bể chứa ở nhà máy sau 14 tháng xảy ra vụ án mạng. Trong quá trình xét xử, các công tố kết luận, Hakamada đã mặc số quần, áo đó khi giết gia đình người chủ công ty. Hung khí được đưa ra là một con dao ngọt trái cây có lưỡi dài 12,19cm. Kết quả, Hakamada bị tuyên án với tội giết người kèm với hình phạt nặng nhất là tử hình khi mới 30 tuổi. Tháng 5-1982, sau khi án tử hình được tuyên, trong một bức thư gửi người chị gái, ông Hakamada xót xa viết: “Em không sợ chính án tử hình, mà cảm thấy nỗi sợ to lớn trước cảm giác sợ hãi”. 

Chị gái Hideko trong chiến dịch minh oan cho ttử tù Hakamada

Sự thật sau 45 năm minh oan

13 năm nỗ lực thu thập bằng chứng, phải đến tháng 8-1994, nhóm luật sư tình nguyện biện hộ cho Hakamada mới tìm được một số thông tin mới rất quan trọng. Họ đã xác định được hung khí giết người cáo buộc bị cáo có kích thước không trùng với các vết đâm trên thi thể nạn nhân, mẫu quần dính vết máu thì quá nhỏ so với cơ thể của Hakamada và một cánh cửa được cho là hung thủ sử dụng để đi vào nhà đã bị khóa. Tuy nhiên, Tòa án quận Shizuoka vẫn từ chối đơn đề nghị kháng nghị tái thẩm đối với vụ án của Hakamada. 

Tháng 4-2004, một cuộc kiểm tra ADN phát hiện ra mẫu máu thu thập được trên vai chiếc áo phông được tìm thấy trong đống quần áo tại hiện trường không phải máu của các nạn nhân, cũng không phải máu của Hakamada. Tới tháng 7 năm đó, bà Hideko quyết định phát động một loạt các cuộc biểu tình tại 8 địa điểm trên khắp Nhật Bản để đòi lại sự trong sạch cho em mình. “Khi kết quả ADN được công bố, tôi đã bớt căng thẳng. Cho tới bây giờ, vì gia đình cậu ấy, chúng tôi tránh nói bất cứ điều gì về nó. Sau khi vụ việc xảy ra, mẹ tôi đã ngã quỵ vì nỗi đau tinh thần và sau khi bà qua đời, tôi có trách nhiệm hỗ trợ em trai mình” - Hideko nói tại một buổi thuyết trình tại Đại học Luật Nihon Tokyo. 

Năm 2007, Norimichi Kumamoto, một trong ba thẩm phán kết án Hakamada đầu tiên, đã lên tiếng rằng, ông luôn tin cựu võ sĩ vô tội nhưng không thể thuyết phục được hai đồng nghiệp của mình lúc đó. Vì thấy day dứt lương tâm, sau đó, ông đã quyết định từ chức. Tiết lộ của ông Kumamoto khiến dư luận Nhật Bản dậy sóng về những thủ tục pháp lý trong một phiên xử hình sự, đồng thời củng cố thêm niềm tin “Hakamada” vô tội. Tháng 4-2010, 57 thành viên trong Quốc hội đã thành lập một nhóm liên minh, với mục đích minh oan cho tử tù Iwao Hakamada. Họ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định ngừng thi hành án tử hình Iwao Hakamada. Những rắc rối phức tạp, oan khiên trong vụ án của tử tù Iwao Hakamada đã được đạo diễn Banmei Takahashi dựng lại thành phim BOX: The Hakamada Case. Bộ phim được trình chiếu tại Nhật Bản vào tháng 5-2010. Bộ phim được đề cử cho giải Grand Prix des Ameriques tại Liên hoan phim Thế giới Montreal.

Ngày 10-3-2011, đúng sinh nhật lần thứ 75 của mình, ông Iwao Hakamada đau đớn, xót xa khi được sách Kỷ lục Guiness công nhận là người tử tù chờ thi hành án lâu nhất thế giới. Tháng 3-2012, kết quả phân tích ADN chỉ ra rằng các điều tra viên đã làm giả chứng cứ. Những mẫu máu thu được từ 5 mảnh quần áo mà hung thủ mặc khi gây án không phải máu của Hakamada. Chỉ đến khi này, Tòa án Tối cao cũng quyết định chấp nhận đề nghị mở phiên tái thẩm đối với vụ án của tử tù Iwao Hakamada. Ngày 27-3 mới đây, kết quả kỷ lục tử tù ngồi chờ thi hành án lâu nhất thế giới của ông Hakamada đã chính thức chấm dứt. 

Iwao Hakamada hiện tại và khi còn trẻ

Nỗi oan nửa thế kỷ mãi ám ảnh

Theo một thành viên trong gia đình, sức khỏe và tinh thần của ông Hakamada (78 tuổi) đã suy giảm đi rất nhiều sau gần nửa thế kỷ bị biệt giam. Nguồn tin của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, các bác sĩ đã chẩn đoán Hakamada đã bị rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế. Trong khoảng 20 năm qua, ông liên tục từ chối gặp những người vào thăm mình, kể cả gia đình. Vào mỗi bữa ăn, ông im lặng nhìn chăm chăm vào khay cơm trong khoảng 30 phút rồi mới cẩn thận nếm thử. Ông từng tuyên bố mình là “một vị thần đã nhập vào Iwao Hakamada”. Trong một đợt kiểm tra sức khỏe năm 2006, Hakamada luôn miệng lẩm bẩm: “Thiên Chúa toàn năng. Tôi thấy rồng, tôi thấy những con voi. Tôi sẽ không chết đâu”. Ngay sau ngày được phóng thích, ông Hakamada phải nhập viện để được điều trị bệnh tiểu đường. Vụ việc tiếp tục làm dấy lên những lời kêu gọi thay đổi thói quen trọng cung hơn trọng chứng của giới công tố, cách thẩm vấn trong phòng kín mà không có sự hiện diện của luật sư cũng như cách đối xử với tử tù tại Nhật.