Câu chuyện đẹp về tình người của hai bà lão bán xổ số

ANTĐ - Ở cái tuổi gần đất xa trời, lại sống cảnh khốn cùng của đời người, hai bà lão trong câu chuyện kể dưới đây vẫn ngày nối ngày nương vào nhau mà sống, cùng nhau gắng vượt qua những hoạn nạn. Tình người và lòng bao dung đã dệt nên một câu chuyện thật đẹp và có hậu.

Câu chuyện đẹp về tình người của hai bà lão bán xổ số  ảnh 1

Bà Quế coi bà Ánh như chị gái của mình

Phận bèo nước nơi nhà trọ tồi tàn

“Tôi với bà ấy người dưng nước lã, chỉ là bèo nước gặp nhau trong lúc mưu sinh, cùng cảnh già nên lo lắng chăm sóc cho nhau. Cứ mải miết vậy rồi tôi với bà ấy thành chị em lúc nào không hay. Giờ bà ấy bị nạn, tôi mà bỏ thì ai lo cho bà ấy bây giờ?!”, bà Trần Thị Ánh, ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam người đã bước qua tuổi bát thập thều thào nhưng đầy cảm động bộc bạch câu chuyện của mình, bàn tay bà vẫn nắm chặt tay người bạn già ở cùng phòng. Cái nắm tay đầy cảm động, đầy trân trọng và chắc hẳn là ẩn chứa trong đó không ít sự hàm ơn với người bạn già Nguyễn Thị Quế. 

Ở đời xưa nay khi đã bước qua tuổi già, tự bản thân mỗi người sẽ chọn cho mình một công việc nhàn hạ để an hưởng. Ấy thế mà bà Nguyễn Thị Quế (74 tuổi), ở xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam lại đi ngược cái chân lý ấy. Cách đây hơn chục năm, bà chẳng may bị gãy tay, từ đó bà chẳng thể làm việc đồng áng nữa. Nhìn cảnh con cháu nheo nhóc bà thầm nhủ không giúp được các con thì thôi, chứ các con đứa nào cũng khó khăn. Còn sức thì tự nuôi sống lấy mình, bao giờ không làm gì được tiền thì mới nhờ đến các con nên bà lẳng lặng thu xếp hành lý ra Đà Nẵng bán vé số.

Để tiết kiệm chi phí, bà Nguyễn Thị Quế ở chung với mấy người chị em, ăn uống đơn giản cho qua bữa chứ chẳng cần ăn no, ăn ngon làm gì. Tích cóp được đồng nào bà lại gửi về giúp đỡ cho các con ở quê chứ chẳng chịu giữ cho riêng mình. Mấy năm nay nghề bán vé số dạo ngày càng khó khăn nên bà cũng chẳng dư dả được nhiều. Một lần đi lấy vé số từ đại lý lúc sáng sớm, bà để ý đến một người “đồng nghiệp” lúc nào cũng chỉ lấy 10 tờ vé số, hỏi chuyện mãi mới biết do bà cụ không có tiền nên chỉ dám lấy chừng ấy. Ngày hôm sau bà Quế đã chủ động lấy thêm 100 tờ vé số rồi đưa cho bà Trần Thị Ánh đi bán.

Thấy bà Quế vừa đưa cho mình chồng vé số vừa nói: “Bà cầm thêm cho khách họ chọn số, chứ có chừng đó vé thì số đâu cho khách chọn, làm sao bán được vé hả bà”. Thấy người “đồng nghiệp” dù chưa hề biết tên mình nhưng vui vẻ giúp đỡ, bà Ánh cảm động lắm. Hai hàng nước mắt cứ trực trào ra khỏi khuôn mặt già nua. Không phụ lòng “đồng nghiệp”, suốt mấy tháng trời sau đó ngày nào bà Ánh cũng xuất hiện ở điểm hẹn đúng thời gian mà hai người đã giao hẹn để bà Quế trả vé cho đại lý. 

Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, lại nghèo khó phải đi thuê nhà trọ bán vé số nên nhiều chủ nhà không dám cho bà Ánh ở lâu, sợ bà có mệnh hệ gì thì khó xử. Nhiều đêm mưa gió, bà Ánh phải ngủ gầm cầu, ngủ nhờ bên những mái hiên của các hàng quán giữa lòng thành phố. Một lần, bà Quế thấy người bạn già ngủ vạ vật nơi hiên nhà, xót quá, bà Quế đưa bà Ánh về sống cùng phòng trọ với mình. Thế nhưng cũng chỉ được một thời gian, cả hai bà lại bị chủ trọ đuổi khéo ra khỏi phòng vì sợ hai bà chết già trong phòng trọ của mình. Cả hai bà dắt nhau đi tìm phòng nhưng không ai đồng ý cho thuê trọ cho đến khi gặp được bà chủ trọ tốt bụng bây giờ. 

Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua cho đến khi bà Ánh bị người đi xe máy va chạm khiến gãy chân. Lúc biết tin bà Quế đã vội vã bỏ hết công việc chạy vào viện xem bệnh tình người bạn già của mình như thế nào. Trong phòng cấp cứu Bệnh viện 199, bà Ánh nằm lặng lẽ chẳng có ai ở bên cạnh, vừa nhìn thấy bà Quế, bà Ánh rơi nước mắt vì tủi thân. Do vết thương quá nặng, bà Ánh được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Nghe các bác sỹ bảo phải có 14 triệu đồng mới mổ chân cho bà Ánh, nghèo quá chẳng có tiền nên bà Quế xin cho bà Ánh được bó bột rồi về nhà để chăm sóc.

Đặc biệt khi biết được hoàn cảnh khó khăn của người gây ra tai nạn phải vất vả nuôi con nhỏ, cả hai bà đều từ chối không lấy số tiền 1 triệu đồng. Bà Quế ngậm ngùi cho biết: “Chứng kiến cảnh tôi với bà Ánh cứ đùn đẩy 1 triệu đồng của người gây tai nạn, nhiều người nói hai bà lão này đã nghèo lại còn sĩ diện, chê tiền. Nhưng họ có biết được hoàn cảnh của người ta đâu, một mình vất vả nuôi vợ bầu con nhỏ. Nó cũng như con cháu mình ở quê, phải vất vả bươn chải, nên bỏ qua được cho họ thì bỏ qua chứ ai muốn chuyện xấu xảy ra bao giờ!”…

Tình người ở lại

Các con bà Quế, người điện thoại, người xuống tận nơi thăm hỏi tình hình. Biết các con có ý định đưa mình về quê, bà Quế nhẹ nhàng giải thích: “Bà Ánh không có con cháu, cũng chẳng người thân thích. Mẹ chăm sóc cho bà ấy cũng như tích đức cho con cháu của mẹ sau này”. Biết tấm lòng của mẹ, các con bà Quế tuy chẳng khá giả gì nhưng vẫn thường xuyên gửi gạo, đồ ăn xuống cho mẹ. Từ ngày bà Ánh bị tai nạn, bà Quế phải dậy sớm hơn trước. Hơn 5 giờ sáng bà đã dậy để vệ sinh cá nhân cho bà Ánh cho kịp giờ đi lấy vé số. Đến hơn 7 giờ sáng, bà Quế quay trở lại phòng trọ.

Trên tay không quên mang thêm đồ ăn sáng cho bà Ánh. Khi thì bát bún, lúc thì bát cháo hay mấy cái bánh cuốn người ta bán rẻ với giá vài nghìn đồng. Chăm cho người bạn già không may mắn của mình xong, bà Quế mới tiếp tục đi bán vé số. Nếu như trước kia đi đến tối mịt mới về phòng để nghỉ ngơi thì bây giờ cứ mấy tiếng bà Quế lại phải đảo qua phòng trọ một lần. Mỗi lần thấy bà Quế đi lâu không về, bà Ánh lại ngóng ra cửa, khóc thầm vì tủi thân. Mấy chục năm qua, bà Ánh đã sống một thân một mình vì cả chồng và con đều đã chết trong chiến tranh. Mỗi lần nghĩ về tháng ngày xưa cũ, bà Ánh không khỏi buồn lòng.

Trước khi bị tai nạn, mọi chi phí cho cuộc sống của hai bà đều được chia đôi, bây giờ mọi sinh hoạt đều dựa vào cả số tiền mà bà Quế kiếm được từ việc bán vé số. Suốt hơn 6 tháng qua, một mình bà Quế vừa tất tả đi bán vé số vừa tận tụy chăm sóc người “đồng nghiệp” vốn chẳng họ hàng với mình. Chứng kiến cảnh bà Quế vừa nhẹ nhàng lau người cho bà Ánh, vừa ân cần trò chuyện những người xung quanh ai cũng cảm động và khâm phục. Những ngày tháng gian nan vẫn còn phía trước khi mới đây các bác sỹ thông báo đôi chân của bà Ánh khó lành lại, khả năng đi lại được là rất thấp.

Từ lúc nghe bác sỹ thông báo bà Quế cứ bồn chồn trong người, chưa dám thông báo chuyện này cho bà Ánh biết. Khi chúng tôi hỏi nếu không may bà Ánh mất đi hoàn toàn khả năng đi lại thì sao bà Quế lặng đi một chút, rồi quả quyết: “Chỉ cần bà ấy lành lại chân tôi sẽ dùng xe lăn đưa bà ấy đi cùng với mình. Có chị, có em bà ấy cũng đỡ buồn hơn. Đời người, ai chẳng có lúc hoạn nạn, bây giờ bà ấy chẳng còn gì, sao đành lòng bỏ rơi bà ấy nữa!”.

Nhìn người bạn già đang nắm chặt tay mình vì cảm động, bà Quế bảo, Tết này bà sẽ ở lại Đà Nẵng đón Tết với bà Ánh. “Tôi mà về quê ăn Tết như mọi năm thì sẽ không có ai lo cho bà Ánh. Gửi bà ấy cho người khác chăm sóc thì tôi không yên tâm. Tôi sẽ bớt chút thời gian về nhà cúng cơm mời các cụ với chồng tôi về ăn Tết, xong việc tôi sẽ lại xuống với bà ấy. Tôi chỉ mong bà ấy sớm lành lại để hai chị em đi đâu cũng có nhau, để bà ấy được một lần về quê ăn Tết với tôi cho thỏa ước nguyện!”. Giữa cuộc sống xô bồ, bộn bề này câu chuyện cảm động giữa bà Quế và bà Ánh quả là hiếm có. Có lẽ, tính thiện chẳng ở đâu xa mà ở ngay trong lòng mỗi người.