Câu chuyện buồn của VĐV Lê Thị Huệ: Vắt chanh, bỏ vỏ

ANTĐ- Để có được những tấm huy chương cho thể thao Việt Nam, không ít VĐV đã phải miệt mài khổ luyện, hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc cá nhân, thậm chí cả tính mạng.

Để có được những tấm huy chương cho thể thao Việt Nam, không ít VĐV đã phải miệt mài khổ luyện, hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc cá nhân, thậm chí cả tính mạng. Song, sau những vinh quang mà họ mang về cho thể thao nước nhà, họ nhận được gì từ phía lãnh đạo ngành thể thao nước nhà, hay họ chỉ như quả chanh đã vắt kiệt nước?

 

Sau những cống hiến cho TTVN, giờ VĐV Lê Thị Huệ đang phải vật lộn với nỗi đau thể xác lẫn tinh thần

Từng là đô vật trẻ đầy triển vọng của thể thao Việt Nam (TTVN) và là niềm vinh dự của thôn biển nghèo Châu Chính (Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa), nhưng nay, Lê Thị Huệ chỉ còn lại tấm thân xanh xao, tàn phế. Tại SEA Games 22, lần đầu tiên TTVN giành nhất toàn đoàn khu vực Đông Nam Á, song cũng trong cái năm đáng nhớ đó, những tuyển thủ như Đỗ Xuân Tâm (xe đạp), Trần Thanh Ngời (Judo) đã tử nạn trong khi tập luyện và thi đấu. Còn với Huệ, chấn thương trong một buổi tập chuẩn bị cho SEA Games 22 khiến cô phải giã từ sới vật và bước vào cuộc sống hoàn toàn khác: gắn mình với chiếc xe lăn và đôi nạng.

“Sau tai nạn, một vài lãnh đạo ngành thể thao có đến thăm và hứa sẽ cho sang nước ngoài điều trị. Song 8 năm trôi qua, khi chấn thương đã trở thành tàn phế thì hứa hẹn kia vẫn chỉ dừng ở lời nói. Nếu được chữa trị kịp thời có lẽ em đã không đến nông nỗi như vậy. Bởi dù không thể thi đấu trở lại thì ít ra, em cũng có thể đi lại và tự lo sinh hoạt bản thân”, Huệ tâm sự.

Theo lời chị Lan (chị gái Huệ), nếu không có sự giúp đỡ của bệnh viện Bảo Long, hỗ trợ điều trị vật lý trị liệu miễn phí cho Huệ trong suốt mấy năm qua thì tình hình còn xấu hơn nhiều. “Sau khi Huệ gặp tai nạn, có nhiều người nhận lời hỗ trợ này nọ, song lần lượt đều… mất hút. Sở VH-TT&DL có xuống thăm, nhưng cũng hiếm hoi lắm”, chị Lan buồn bã nói. Hình ảnh nữ đô vật tráng kiện ngày nào giờ chỉ là hoài niệm, hay có chăng chỉ còn hiện hữu qua những tấm huy chương. Thay vào đó là một thân hình gầy gò, ốm yếu, ngay cả những sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất cũng phải nhờ đến người mẹ già ngoài 70 tuổi lo giúp.

Những ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ giờ đã trở nên quá xa xỉ đối với Huệ. Đáng lẽ ra sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu, Huệ có thể học tập và trở thành HLV như nhiều VĐV khác, nhưng với cô bây giờ mong muốn duy nhất chỉ là được chữa trị để có thể đi lại và tự lo sinh hoạt cá nhân. Thấy con cặm cụi tập đi cùng đôi nạng, đi được đôi ba bước lại ngã dúi dụi, bố mẹ Huệ không khỏi xót xa, lo lắng. Huệ bảo: “Sống thì phải đi được. Con sẽ tập cho tới khi đi được, còn ngã chết thì thôi”.

Cũng có thể giải thích rằng trong điều kiện vật chất của ngành thể thao còn thiếu thốn như hiện nay, không chỉ VĐV đã hết khả năng thi đấu mà ngay cả những VĐV còn đang thi đấu khi bị chấn thương cũng không được điều trị trong điều kiện tốt nhất. Song, không phải muôn thuở chúng ta cứ ca bài ca “thiếu tiền”.

Thiếu không có nghĩa là không có, ngành thể thao cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức tới những VĐV đã có nhiều cống hiến cho thể thao nước nhà. Họ xứng đáng được như vậy!