Hải Dương:

Cầu An Thái bị tàu đâm hư hỏng, tỉnh lộ 388 đi huyện Kinh Môn bị tê liệt

ANTĐ -Cầu An Thái, đoạn Km23 tỉnh lộ 388, bắc ngang sông Kinh Thầy, địa phận xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đã bị 1 tàu hàng tải trọng 3.000 tấn đâm hư hỏng, giao thông trên tuyến này tê liệt.

Vụ việc trên xảy ra vào 17h30 ngày 6/3. Cụ thể, tàu Thành Luân 28, BKS HP-3016, trọng tải 3.162 tấn, thuộc doanh nghiệp tư nhân Thành Luân, địa chỉ tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, do anh Trần Huy Du, sinh năm 1977, ở xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, điều khiển đi hướng từ thượng lưu xuôi hạ lưu đã đâm gãy dầm bê tông cốt thép dự ứng lực 24m, nhịp giữa, khoang thông thuyền, cầu An Thái và tàu Thành Luân 28 bị mắc kẹt vào dầm cầu.

Cầu An Thái bị tàu tải trọng 3.000 tấn đâm mắc kẹt

Ngay sau khi sự cố xảy ra, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh Hải Dương, Công an tỉnh phối hợp với UBND huyện Kinh Môn, công an huyện và các đơn vị liên quan triển khai tổ chức điều tiết, phân luồng đường bộ, đường thủy; cấm người và phương tiện lưu thông qua cầu; tổ chức bảo vệ hiện trường và tiến hành các biện pháp tạm thời bảo vệ an toàn công trình. Đồng thời đề nghị Bộ GTVT cử chuyên gia của ngành hỗ trợ địa phương khảo sát, tìm phương án khắc phục sự cố.

Theo một số chuyên gia ngành cầu Việt Nam, cầu An Thái là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, kết cấu khung T, có dầm kê ở giữa nhịp, xây dựng bằng bê tông đúc hẫng. Nếu dầm kê ở giữa nhịp bị đâm hỏng thì có thể tháo đoạn dầm này ra, thay dầm mới vào. Tuy nhiên, công tác chống đỡ đảm bảo cân bằng đối xứng trong quá trình thi công rất phức tạp.

​Cú đâm đã khiến 1 thanh dầm cầu biến dạng

Được biết, thuyền trưởng Du có bằng lái tàu hạng Nhất. Trước khi gây tai nạn, tàu vừa được sửa chữa xong, anh Du đã tự ý chạy thử tàu, trong khi không có máy trưởng trên tàu.

Ông Lê Đình Long, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương cho biết, chiều 7-3, đoàn công tác của Bộ GTVT đã có mặt ở hiện trường để kiểm tra, thẩm định và có phương án xử lý.

Trước mắt sẽ vẫn duy trì chiếc tàu tại vị trí cũ, xem như một trụ đỡ tạm thời cho chiếc cầu. Sau đó, sẽ đưa một dầm thép chữ Y vào để đỡ thanh dầm biên bị hỏng rồi mới rút chiếc tàu ra. Khi đó, tổ công tác sẽ thẩm định, đánh giá lại độ an toàn của cầu An Thái, nếu không ảnh hưởng nhiều thì sẽ để các phương tiện tiếp tục lưu thông, còn nếu không đảm bảo an toàn thì sẽ phải có phương án tổ chức giao thông khác.

Từ sáng 7-3, tỉnh Hải Dương cũng đã lên phương án phân luồng cho các phương tiện lưu thông qua cầu An Thái. Theo đó, với xe tải trọng từ 25 tấn trở lên sẽ đi theo đường QL18, qua thị xã Chí Linh đến Đông Triều (Quảng Ninh) rồi vòng vào; đối với phương tiện có tải trọng 25 tấn sẽ đi theo lối Phà Mây đi vào; còn xe gắn máy, xe thô sơ sẽ đi bằng đò qua sông. Tỉnh sẽ chỉ đạo tăng cường tần suất và số lượng đò hoạt động hai bên sông.

Cây cầu huyết mạch nối huyện Kinh Môn với QL5 đã bị gián đoạn, người dân phải đi lại bằng đò, phà

Cầu An Thái nằm trên tỉnh lộ 388, thuộc địa bàn huyện Kinh Môn, là tuyến giao thông đường bộ huyết mạch từ Hải Dương đi Quảng Ninh, và là cây cầu duy nhất nối QL5 với các xã của huyện Kinh Môn.

Trả lời về việc, sau khi thẩm định, cầu An Thái không còn đủ an toàn cho phương tiện qua lại, vấn đề đi lại của người dân trong huyện Kinh Môn sẽ được xử lý như thế nào, ông Lê Đình Long cho biết, trước mắt người dân sẽ phải đi lại bằng phà, đò hoặc đi vòng về tỉnh Quảng Ninh, phương án xây cầu mới cũng sẽ được tính đến nhưng còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí hoặc doanh nghiệp nào đầu tư. Tỉnh lộ 388 hiện được giao cho Công ty BOT đường 388 quản lý, thu phí và duy tu.

Chiều 7-3, lãnh đạo Bộ GTVT đã có quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp Bộ chỉ đạo khắc phục sự cố cầu An Thái, huyện Kinh Môn, Hải Dương. Theo quyết định, Tổ công tác đặc biệt gồm 12 thành viên, do Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ Hoàng Hà làm Tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ trực tiếp đến hiện trường sự cố để xác định nguyên nhân; sơ bộ đánh giá, xác định mức độ hư hỏng cầu An Thái và chỉ đạo công việc liên quan đến khắc phục sự cố cầu. Đề xuất các giải pháp ban đầu để bảo đảm ATGT đường bộ, đường thủy nội địa, đề xuất, thẩm định các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục sự cố cầu.