CATP Hà Nội: Kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

ANTĐ - Chiều nay (10-9), tại trụ sở của CATP Hà Nội, đoàn công tác liên ngành điều tra, khảo sát về hình hình thi hành pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phối hợp với CATP Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức "Tọa đàm về tình hình thi hành pháp luật trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả".

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, cuộc tọa đàm nhằm khảo sát 3 nội dung lớn là: tính thống nhất giữa Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản khác như thế nào, việc thực thi các văn bản này; Hai là điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị, kinh phí để đảm bảo thực thi các quy định nêu trên; Ba là thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến và công tác tuân thủ pháp luật của các cơ quan.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc- Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua, CATP Hà Nội đã triển khai đấu tranh phòng chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả tương đối hiệu quả, được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia khen ngợi và được nhân dân đánh giá cao. 

Tuy nhiên, thực tiễn công tác đấu tranh này cho thấy, do hệ thống văn bản pháp luật xử lý hành vi vi phạm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, chưa kịp thời nên một số đối tượng đã lợi dụng để phạm tội. Nhiều vụ việc đấu tranh rất phức tạp. 

Nêu lên những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Thượng tá Nguyễn Anh Minh - Phó trưởng Phòng Pháp chế (CATP Hà Nội) dẫn chứng, điều 153 Bộ Luật Hình sự quy định: “Tội buôn lậu có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Nhưng trên thực tế, để chứng minh hành vi “qua biên giới” là rất khó, nên nhiều vụ buôn lậu lớn không khởi tố, truy tố được các đối tượng phạm tội, mà chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính.

Bên cạnh đó, các quy định còn trùng lặp. Ví dụ, với hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì  cơ quan công an không có thẩm quyền. Nhưng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cho phép áp dụng các quy định của pháp luật ra đời sau thì cơ quan công an có thẩm quyền xử phạt theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP.

Do không tiếp giáp biên giới nên hàng hóa từ Trung Quốc về đến Hà Nội qua các cửa khẩu tại Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn, Lào Cai phải qua 10 tỉnh, thành phố. Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. 

Thượng tá Thành Kiên Trung - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (CATP Hà Nội) chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của lực lượng CATP là thiếu kho bản quản vật chứng.

"Chúng tôi thường xuyên phải thuê kho ở ngoài. Có những thời điểm thu giữ 40 tấn hàng hóa vi phạm, tiền thuê kho tốn kém, lâu được chi trả. Chúng tôi đề nghị xem xét thay đổi quy định cơ quan có thẩm quyền tạm giữ vật chứng bằng việc cho đương sự tự bảo quản. Họ có thể lấy hàng hóa này tiêu thụ không? Vì pháp luật còn có hệ thống cưỡng chế, thực thi... nên đối tượng vi phạm sẽ khó bán ra ngoài"- đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế nói.

Hiện nay, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng buôn lậu là quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng hóa vi phạm, ghi giá trị hàng hóa thấp để trốn thuế. Có trường hợp, các đối tượng ghi đôi giày chỉ 5.000 đồng, đôi tất chỉ 500 đồng, nên khó xử lý. Vì vậy, cần có quy định về việc ghi hóa đơn không được thấp hơn một tỷ lệ nhất định so với hàng hóa để hạn chế tình trạng quay vòng hóa đơn.

Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế cũng cho rằng: "Hình thức xử lý vi phạm bằng phạt tiền đang được sử dụng phổ biến nhưng khó thực hiện. Nhiều vụ việc có mức xử phạt quá cao, đương sự không thể nộp đủ. Vụ việc lửng lơ, khó xử lý. Chúng tôi đề nghị xem xét tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của đương sự (ví dụ giấy phép lái xe) thì tính răn đe cao hơn".

Ngoài ra, một số điểm bất hợp lý trong các quy định về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến yếu tố nước ngoài, tội phạm công nghệ cao... cũng được đại diện các đơn vị của CATP Hà Nội đưa ra, nhằm xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, thống nhất hơn, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.