CATP Hà Nội: Đảm bảo an ninh trật tự để du khách du xuân, cầu may

ANTD.VN - Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP Hà Nội, công an các quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), phục vụ nhân dân về dự lễ hội. Chính vì thế ngoài các phòng nghiệp vụ tăng cường, công an các địa bàn đã ứng trực 100% quân số để giữ gìn ANTT.

Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo ANTT phục vụ các hoạt động tín ngưỡng của nhân dân tại chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa, Hà Nội

Phát hiện các hoạt động lễ hội “biến tướng”

Tháng Giêng là mùa lễ hội, đi lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh từ nghìn đời nay của dân tộc Việt Nam, để cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, bình an và may mắn. Xác định rõ nhiệm vụ phục vụ nhu cầu, tạo thuận lợi cho người dân du xuân, CATP Hà Nội đã tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố có những kế hoạch cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, hoạt động lễ hội đã phát huy được các giá trị văn hóa, đáp ứng yêu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Mặc dù vậy, công tác quản lý lễ hội vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến công tác ANTT như việc thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội có nơi chưa cao, tình trạng kinh doanh dịch vụ còn lộn xộn, đeo bám khách, đốt nhiều vàng mã gây tốn kém, lãng phí; lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan… 

Để khắc phục tình trạng này, CATP đã chỉ đạo CAQ, CAH, thị xã, địa phương tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về giá trị của danh thắng, di tích và lễ hội gắn với nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội. Phối hợp chặt chẽ với Sở VH-TT, Sở Du lịch và các cơ quan, ban, ngành cấp quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội. Đặc biệt, phát hiện các hoạt động lễ hội “biến tướng” không phù hợp với văn hóa dân tộc, kiên quyết đấu tranh, xử lý các hoạt động lễ hội để hoạt động phạm tội, mê tín dị đoan…

Không để “cò” và trộm cắp có cơ hội hoạt động 

Tại điểm du xuân phủ Tây Hồ vào sáng 24-2, nườm nượp dòng người ra vào làm lễ cầu may tại đây. Ngay từ đầu các ngả đường Nghi Tàm, Âu Cơ, cho đến các nút giao thông rẽ vào phủ Tây Hồ, lực lượng CAQ Tây Hồ đã bố trí các chốt phân làn giao thông, cùng với đó lực lượng CSTT lưu động tuần tra, kiểm soát nhằm đảm bảo, duy trì ANTT phục vụ nhân dân đi du xuân. 

Trung tá Đoàn Văn Dương, Trưởng CAP Quảng An cho biết: “Ngoài các chốt trực phân luồng giao thông, thực hiện Phương án 159 của CAQ Tây Hồ về việc đảm bảo ANTT và phân luồng giao thông khu vực phủ Tây Hồ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, CAP Quảng An đã bố trí lực lượng của đơn vị thường xuyên có mặt trong khuôn viên phủ Tây Hồ, qua đó ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng phạm pháp hình sự. Cho đến thời điểm chiều mùng 7 Tết, đơn vị chưa tiếp nhận bất cứ phản ánh nào của người dân về việc bị mất tài sản khi đến lễ ở phủ Tây Hồ”.  

Trong khi đó, lễ hội cầu an tại chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa vào tối 23-2 (tức mùng 8 Tết) là điểm đến đặc biệt của nhân dân Hà Nội lên đến hàng nghìn người. Chính vì thế mà hàng trăm CBCS đã thức trắng đêm đảm bảo ANTT, phân luồng giao thông phục vụ bà con du xuân. Mặc dù lễ diễn ra vào tối nhưng ngay từ đầu giờ chiều, lực lượng công an đã vào các vị trí, các chốt phân luồng, điểm tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến ANTT đều sẵn sàng. 

Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng CAQ Đống Đa cho biết: “Trên địa bàn quận có nhiểm điểm du xuân đầu năm mang tầm quốc gia như lễ hội gò Đống Đa hay lễ cầu an tại chùa Phúc Khánh… Xác định rõ tầm quan trọng giữ bình yên và niềm vui đón xuân trọn vẹn cho nhân dân, đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Giám đốc CATP chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch đảm bảo ANTT cho lễ hội, phục vụ nhân dân về dự lễ hội”. 

Khách hành hương yên tâm du xuân

Theo số liệu thống kê của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2018, chỉ tính riêng từ ngày mùng 3 đến mùng 7 Tết năm Mậu Tuất, chùa Hương đã đón khoảng trên 130.000 lượt khách, tăng 6.600 lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái. Theo quan sát của phóng viên Báo ANTĐ trong các ngày 22 và 23-3, lượng du khách hành hương, du xuân tại đây đã tăng dần, tuy nhiên tình hình ANTT, TTATGT khu vực chùa Hương vẫn được đảm bảo, không xảy ra ùn ứ, ách tắc.

Trung tá Khuất Hồng Sơn, Phó trưởng CAH Mỹ Đức cho biết: “CAH Mỹ Đức xác định công tác đảm bảo ANTT, TTATGT mùa lễ hội chùa Hương năm 2018 là một trong những nhiệm  vụ đặc biệt quan trọng nên đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ điều tra cơ bản, lên danh sách và thành lập 18 chốt trạm từ ngã tư Tế Tiêu đến các chốt trạm trong khu vực di tích chùa Hương, trực 24/24h để tiếp nhận, xử lý tin tố giác tội phạm. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các tổ liên ngành tuần tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó chú trọng các đối tượng trộm cắp, móc túi”.

Xác định lễ hội chùa Hương là điểm đến quan trọng, thời gian kéo dài và luôn có lượng du khách đông đúc, CATP Hà Nội nhiều năm qua đã có hàng trăm tổ công tác, các chốt đồng thời cùng hàng trăm Cảnh sát hình sự hóa trang làm nhiệm vụ tại địa bàn từ đường dẫn vào đến các nơi có điểm thắng cảnh.

Cùng với đó, Giám đốc CATP chỉ đạo công an các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa và quận Hà Đông… chủ động phân luồng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm. Đồng thời chỉ đạo lực lượng Công an huyện trên tuyến từ Tế Tiêu đến cầu Hội Xá đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo thông thoáng, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt kiên quyết xử lý đối với các trường hợp lái đò bám đuổi khách.

Bên trong khu vực các tuyến đường đi vào khu di tích chùa Hương, Chỉ huy CAH Mỹ Đức đã chỉ đạo các chốt trạm điều tra cơ bản, vẽ sơ đồ, xác định các điểm có thể xảy ra ùn ứ để bố trí lực lượng để phân luồng, hướng dẫn các phương tiện. Về đường thủy, lực lượng công an cũng chủ động tuyên truyền, tập huấn cho các lái đò về công tác đảm bảo ATGT đường thủy, đánh số đỏ các đò và kiên quyết xử lý, đình chỉ đối với các trường hợp vi phạm, không đảm bảo an toàn.

“Lễ hội đông người như nêm cối nhưng vẫn diễn ra thứ tự vì có các anh công an hướng dẫn, sắp xếp bà con trật tự. Tôi thấy mừng nhất là trong đám đông hàng nghìn người như thế này nhưng tuyệt nhiên không thấy ai kêu ca phàn nàn bị móc túi hay mất đồ. Đây là cái vui nhất, được nhất, phấn khởi nhất trong dịp du xuân mà tôi cảm nhận được”. 

Cụ Nguyễn Bảo An (82 tuổi, trú tại số 3 ngõ 208 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội)

“Tôi vào đến gần cổng phủ Tây Hồ nghe tiếng loa thông báo cẩn thận kẻ gian móc túi thì được biết đó là do các anh công an đọc tuyên truyền để bà con du xuân đề phòng, cẩn thận hơn. Với tôi cứ chỗ nào có hình ảnh các đồng chí công an là tôi yên tâm rồi”. 

Hoàng Thanh Hồng (64 tuổi, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)