CATP Hà Nội bác tin đồn "Hà Nội có 3.000 chốt từ sáng mai..."

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều tối 26-7, trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc "từ mai, Hà Nội có 3.000 chốt..." là bịa đặt, không đúng sự thật.

Từ đầu giờ chiều 26-7, mạng xã hội xuất hiện tin đồn: "Sáng mai HN có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà chia sẻ cho nhau biết nhé".

Tin này được chia sẻ lại nhiều lần khiến người dân hoang mang. Trao đổi với phóng viên, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định tin đồn lan truyền trên mạng xã hội này là bịa đặt.

CATP đã chỉ đạo lực lương an ninh mạng phối hợp với Thanh tra Sở TT&TT đang khẩn trương truy tìm tai khoản đăng thông tin sai sự thật này để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Chỉ thị 17 về cách ly xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh. Người dân chỉ ra đường trong trường hợp thật cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men; Cấp cứu, khám chữa bệnh; Tiêm chủng; Các trường hợp khẩn cấp khác; Đi công tác công vụ;

Làm việc tại cơ quan, công sở trong trường hợp trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý tài liệu mật...Làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

Vì thế, không thuộc trường hợp kể trên, người dân không nên đi ra ngoài đường. Điều đó vừa để bảo đảm sức khoẻ cho bản thân, gia đình và những người xung quanh vừa chung tay cùng chính quyền đẩy lùi dịch Covid-19.

Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất ngoài Khu/Cụm công nghiệp phải đảm bảo: Đăng ký hoạt động sản xuất với UBND xã, phường, thị trấn (số lượng, danh sách lao động, phương án đảm bảo sản xuất an toàn phòng chống dịch, thời gian hoạt động sản xuất) và đảm bảo thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch; chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch của đơn vị.

Đối với các cơ quan, công sở, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (trừ các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp bách, quan trọng được cơ quan có thẩm quyền cho phép; các lực lượng và các hoạt động phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.