Cắt “nguồn cung” bệnh thành tích

ANTĐ - Chị Vũ Thị Nhung (23 tuổi, ở Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) rất thú vị khi xem clip của một nam sinh lớp 12 đã chỉ ra những tồn tại trong ngành giáo dục.

- Bạn thích những vấn đề nào trong clip?

- Thứ nhất là tài hùng biện tuyệt vời của bạn ấy, thứ 2 là tôi ngạc nhiên vì bạn ấy có sự hiểu biết rất rộng, rất chắc và hệ thống về nhiều lĩnh vực, phân tích một cách khúc chiết, đúng, hay, lôi cuốn người nghe tới từng phút. Tôi tin rằng nhiều người làm quản lý trong ngành giáo dục chưa có một tầm hiểu biết hệ thống và chính xác được như thế.

- Những thông điệp nào trong clip khiến bạn suy nghĩ?

- Đó là quá tải trong chương trình học, là thi cử liên miên như là cuộc đua bất tận với học sinh, mà cái đích cơ bản là ý nghĩa từng môn học, từng tiết học, niềm vui khi tiếp cận tri thức của đứa trẻ đã bị đánh mất. Thi cử như là một thước đo, thước phải là một tiêu chuẩn chính xác, bất biến, thế mà gian lận thi cử có, học đối phó để thi có, người ta quên mất là học để làm chủ kiến thức, học đối phó là biểu hiện của “nô lệ” kiến thức, nó được ví như chiếc máy tính khô khan.

- Có đề xuất nào để cải thiện ngành giáo dục khả thi trong đoạn clip không?

- Tôi thích đề xuất đáng suy nghĩ của bạn ấy: muốn hết kẻ nghiện thì hãy cắt nguồn cung ma túy, muốn hết bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục thì hãy cắt hết thi cử, bằng cấp; bởi bằng cấp và thi cử không còn là thước đo chính xác tri thức con người, hãy bắt đầu từ chính các doanh nghiệp, tuyển người dựa vào trình độ chứ đừng quá trọng bằng cấp.