Cắt ngọn,còn gốc

ANTĐ - Cắt giảm đầu tư công được đặt lên vị trí hàng đầu ưu tiên trong những giải pháp để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Sau một vài tháng các bộ, ngành, địa phương “cắt tỉa” khá rầm rộ, dường như người ta quên mất rằng, đây không chỉ là giải pháp tình thế kiểu “cắt ngọn, chặt cành” mà điều cơ bản là phải có hướng lâu dài, “nhổ bật gốc” cắm rễ sâu làm cho nền kinh tế kém hiệu quả và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
Hơn 25 năm đổi mới, có thể ví như một chặng đường mà trên đó trải dài hàng loạt các dự án đầu tư công chạy đua theo phong trào, gây ra nhiều “hội chứng” và để lại những “di sản” không muốn giữ lại. Cuộc “chạy đường trường” bắt đầu là xây dựng nhà máy bia, thuốc lá, rồi xi măng lò đứng, nhà máy đường, lắp ráp xe máy, ô tô. Tiếp sau là đánh bắt xa bờ, xây dựng cảng biển, khu công nghiệp - chế xuất, khu kinh tế, kể cả kinh tế cửa khẩu.

Cuộc chạy đua còn kéo theo cả “phong trào” đầu tư xây dựng nhà máy cán thép, thủy điện vừa và nhỏ, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển, trường đại học, sân golf và cả sân bay. Phần lớn các dự án đó đều là nguồn vốn từ đầu tư công của Trung ương, địa phương và doanh nghiệp Nhà nước.

Không hiểu vì lẽ gì, cho đến nay chưa có lấy một công trình tổng kết đánh giá nào công bố những dự án đó hiệu quả ra sao, lãng phí đến đâu và hậu quả như thế nào gây bất ổn kinh tế vĩ mô? “Gốc bệnh” của thực trạng này đã được giới chuyên gia “mổ xẻ” từ lâu. Đó là: tâm lý ganh đua muốn phát triển nhanh, công nghiệp hóa bằng mọi giá, cơ chế phân bổ nguồn vốn theo kiểu xin - cho, rồi tâm lý “nhiệm kỳ”, kể cả những tính toán theo lợi ích địa phương cục bộ, lợi ích ngành.

Lâu nay vẫn thường nghe câu nói “làm ra cái mà thị trường cần, có nhu cầu sử dụng”. Dường như điều này chỉ áp dụng cho hàng hóa, sản phẩm mà không nghĩ tới những cái chợ bề thế hoang vắng, những nhà văn hóa, bảo tàng, nhà hát vắng bóng người. Nói gì tới những cảng nước sâu, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, sân bay. Ta thường khoe rằng nước ta có bờ biển dài lại nằm kề đường vận tải biển quốc tế có kém gì Singapore. Vậy là “hội chứng” cảng biển diễn ra. Địa hình nước sâu chưa đủ mà còn cần địa thế thuận tiện như đường vào - ra, các tuyến vận tải biển quốc tế, nhất là nguồn hàng vào - ra, năng lực quản lý vận chuyển, bốc xếp…

Tương tự, khi bắt tay xây dựng khu kinh tế mở, khu kinh tế cửa khẩu, người ta thường vẽ ra trên giấy triển vọng thương mại, đầu tư rất sáng sủa. Sau đó đổ tiền tỷ đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách ưu đãi khá hấp dẫn. Thế nhưng người ta lại quên mất rằng khu gì thì khu, trước hết phải tính đến lợi ích và khả năng thu hút doanh nghiệp đến làm ăn. Chưa kể đầu tư dàn trải gần ba chục cửa khẩu dở dang, nhiều khu nằm ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, đường sá khó khăn, dân thưa thớt và nghèo xác xơ. Chỉ cần nhìn vào thực trạng đầu tư dàn trải kém hiệu quả vào cảng biển, khu kinh tế cửa khẩu, có thể suy rộng ra tình hình đầu tư công trên nhiều lĩnh vực.

Cắt giảm đầu tư công dường như chỉ nở rộ lên khi nền kinh tế lạm phát, thiểu phát hoặc suy giảm. Cắt ngọn nhưng cái gốc kém hiệu quả kinh tế, làm suy kiệt nguồn lực đất nước, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển chung thì vẫn còn. Nếu không nhổ bật cái gốc đó, việc tái cấu trúc nền kinh tế không hy vọng mang lại hiệu quả như mong muốn.