Cắt “huyết mạch” của khủng bố

ANTĐ - Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về hàng loạt biện pháp nhằm kiểm soát và chặn các hoạt động tài trợ cho khủng bố trên thế giới.

EU đã nhất trí một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố

Hội đồng châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), ngày 18-6 đã nhất trí về một loạt các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động rửa tiền và cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố. Các quy định này có vai trò quan trọng và là công cụ pháp lý để chống lại hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố, trong đó có việc tăng cường tính minh bạch về quyền sở hữu, kiểm soát chặt chẽ hơn các dịch vụ đánh bạc và các giao dịch điện tử.

Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Michel Barnier ngay sau đó đã lên tiếng hoan nghênh các quy định mới trên và nhấn mạnh liên minh cần phải nâng cao tính hiệu quả và sự minh bạch để bọn tội phạm gặp khó khăn trong việc lợi dụng hệ thống tài chính. Theo ông Barnier, những quy định của EU đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu của cộng đồng quốc tế về việc minh bạch hơn trong vấn đề quyền sở hữu của các công ty, góp phần tăng cường kiểm soát hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Cơ quan hành pháp của EU đưa ra những quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động rửa tiền và cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố trong bối cảnh khủng bố vẫn là một hiểm họa trên toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia, cộng đồng. Cho dù sau sự kiện khủng bố 11-9-2001 làm khoảng 3.000 người thiệt mạng, cộng đồng quốc tế đã thực hiện cuộc chiến không khoan nhượng song chủ nghĩa khủng bố vẫn len lỏi khắp nơi trên thế giới, rình rập để tung ra các cuộc tấn công đẫm máu.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp khủng bố vẫn còn “đất sống” trên thế giới bất chấp các cuộc chiến chống vấn nạn này là còn các nguồn lực tài trợ cho chúng. Trong một nghiên cứu về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, chỉ riêng tại Mỹ, lợi nhuận từ các hành động phi pháp trên đã lên tới 275 tỷ USD/năm, trong đó có phần không nhỏ tài trợ cho khủng bố.

Theo IMF, các tổ chức tội phạm và tài trợ khủng bố đã lợi dụng hệ thống tài chính quốc tế để “làm sạch” các nguồn tài chính kiếm được từ các hoạt động phi pháp, sử dụng nguồn vốn khổng lồ này vào các mục đích tội phạm và khủng bố. Điều này không những đe dọa sự ổn định chính trị, kinh tế, tài chính của các quốc gia… mà còn hủy hoại nghiêm trọng sự toàn vẹn của thị trường tài chính quốc tế.

Chính vì thế, IMF cũng như cộng đồng quốc tế cho rằng muốn chống khủng bố thì một trong những vấn đề then chốt là phải cắt đứt nguồn tài trợ để chúng tuyển mộ nhân sự, lên kế hoạch, mua sắm các công cụ, phương tiện… tiến hành các hoạt động khủng bố. Muốn vậy, thế giới cần chuyển hướng đấu tranh chống loại tội phạm này sang thực thi đường lối mới, tập trung ngăn chặn các nguy cơ để tăng cường hiệu quả của các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. 

Góp phần chặn nguồn lực nuôi dưỡng khủng bố, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thành lập Nhóm đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) nhằm xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế mới về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Cùng với đó, các nước trên thế giới cũng tiến hành củng cố hệ thống luật pháp và tư pháp để đưa ra truy tố, tịch thu tài sản… của những kẻ phạm tội rửa tiền và tài trợ khủng bố.