Cắt ghép, xuyên tạc nội dung ghi âm của người khác sẽ bị phạt tù tới 20 năm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ Giám đốc Công an tỉnh An Giang bị cắt ghép ghi âm rồi tung lên mạng, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, nghi can thực hiện hành vi cắt ghép, xuyên tạc nội dung ghi âm của người khác sẽ bị xử lý ra sao?

Mới đây, trang Facebook Hoàng Dũng chia sẻ đoạn clip lồng ghép ghi âm cuộc điện thoại được cho là của Giám đốc Công an tỉnh An Giang với lãnh đạo tỉnh.

Nội dung bài đăng khiến nhiều người cho rằng Giám đốc Công an và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang không đồng nhất trong quan điểm chống dịch Covid-19.

Tiến hành điều tra, Công an tỉnh An Giang xác định file ghi âm này đã bị cắt ghép, các nội dung bình luận dưới bài viết trên Facebook Hoàng Dũng là bịa đặt. Cơ quan công an cũng đã xác định Hoàng Văn Dũng là người đứng sau vụ cắt ghép ghi âm. Dũng là đối tượng phản động nước ngoài, đã bị Bộ Công an khởi tố bị can.

Mục đích của vụ cắt ghép ghi âm là muốn chia rẽ nội bộ của lãnh đạo Công an tỉnh với cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm làm lũng đoạn công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Hiện công an tỉnh An Giang tiếp tục làm việc với nghi can trực tiếp cắt ghép ghi âm để làm rõ các nội dung liên quan.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi cắt ghép, xuyên tạc nội dung ghi âm của người khác rồi đăng tải lên mạng là vi phạm pháp luật. Tùy theo mục đích, tính chất, mức độ của hành vi, cá nhân thực hiện có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, theo Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ xác minh động cơ, mục đích, hậu quả của việc thực hiện hành vi cắt ghép, xuyên tạc nội dung ghi âm rồi lan truyền trên mạng xã hội gây ra với uy tín, danh dự của người khác, từ đó đưa ra hình thức xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, tùy theo mục đích, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống hoặc Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước.

Cũng theo Luật sư Thanh Hà, nếu mục đích của hành vi là để xúc phạm, hạ thấp danh dự, uy tín của người đang giữ chức vụ quyền hạn, nghi can có thể bị khởi tố về tội Vu khống.

Điều 156 BLHS 2015 nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Nếu đối tượng thực hiện hành vi trên đối với người đang thi hành công vụ và sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt từ 1-3 năm tù.

Trường hợp hành vi có động cơ nhằm chống phá chính quyền nhân dân, kích động, gây hoang mang dư luận, làm mất ANTT thì người vi phạm có thể bị khởi tố về tội Làm, Tàng trữ, phát tán hoặc Tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước .

Theo Điều 117 BLHS 2015, khung hình phạt được áp dụng là phạt tù từ 5-12 năm, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù từ 10-20 năm.