"Cắt đuôi" nợ xấu, ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ

ANTĐ - Dù phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để đưa nợ xấu xuống thấp nhưng kết quả kinh doanh quý III-2015 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy mức lợi nhuận cao. Các ngân hàng đều tự tin vào khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đặt ra từ đầu năm.
"Cắt đuôi" nợ xấu, ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ  ảnh 1

Tăng trưởng khả quan giúp các ngân hàng tự tin về kế hoạch lợi nhuận cả năm

Kiểm soát chặt nợ xấu

Báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng chỉ ra rằng, việc trích lập dự phòng rủi ro từ đầu năm đến hết quý III-2015 tiếp tục tăng cao với mục tiêu “cắt đuôi” nợ xấu. Điều này cho thấy, các ngân hàng đã chủ động đối mặt với rủi ro nợ xấu từ các khoản cho vay. Trong 9 tháng đầu năm 2015, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) là 4.717 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý III-2015, trích lập dự phòng của Vietcombank tăng mạnh (24,6%). 

Chi phí dự phòng rủi ro của Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cũng tăng mạnh 66%, lên mức 1.284 tỷ đồng trong quý III-2015. Tăng trích lập khiến tổng lợi nhuận trước thuế của Vietinbank trong quý III không tăng đột biến, đạt 1.846 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ. 

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), chi phí trích lập dự phòng quý III-2015 tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc mạnh tay trích lập dự phòng,        VPBank cho biết, tính đến 30-9, ngân hàng đã hoàn thành xử lý 100% nợ xấu theo cam kết với Ngân hàng Nhà nước, góp phần tích cực vào mục tiêu xử lý nợ xấu của toàn ngành. Đáng chú ý, VPBank đã xử lý được gần 1.250 tỷ đồng là phần thu bằng tiền do khách hàng trả nợ. Tương tự, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) cũng tăng 78% so với 9 tháng đầu năm 2014, lên 2.787 tỷ đồng... 

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản tín dụng là hoàn toàn hợp lý. Nhiều ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3%, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng tín dụng khả quan, nguy cơ nợ xấu quay trở lại vẫn còn. Đặc biệt, để bám sát thông lệ quốc tế, các quy định về phân loại nợ xấu cũng được thực hiện chặt chẽ hơn, điều này có thể khiến tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng gia tăng. 

Nhu cầu vay vốn tăng cao

Đánh giá về bức tranh lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm, các chuyên gia cho rằng, đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn khi nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng. Số lượng ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương cũng cao hơn. Nằm trong top dẫn đầu, VietinBank cho biết, tính đến hết quý III-2015, tổng tài sản của ngân hàng đạt 711.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm 2014 và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng của năm 2015 cũng tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.725 tỷ đồng.

Theo đại diện VietinBank, bên cạnh tác động tích cực từ kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, kết quả kinh doanh khả quan của ngân hàng còn được “nâng đỡ” bởi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp đang gia tăng mạnh vào cuối năm. Các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank cũng đạt lợi nhuận cao. Sau khi sáp nhập MHB, BIDV đạt hiệu quả kinh doanh tăng trưởng ổn định với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2015 đạt 5.535 tỷ đồng, tăng trưởng gần 25% so với cùng kỳ năm trước.

Còn Vietcombank, kết quả lợi nhuận trước thuế quý III-2015 đạt 1.498 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng này lãi trước thuế 4.648 tỷ đồng, tăng 11% so với 9 tháng năm 2014. Một số ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ hơn cũng có lợi nhuận khả quan, thậm chí có sự bứt phá mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất của VPBank đạt 2.328 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước và đạt 93% kế hoạch cả năm. VIB đạt lợi nhuận trước dự phòng 747 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 370 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái...