“Cắt dây” sở hữu chéo

ANTĐ - Một loạt vấn đề lớn liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội nghị Trung ương 8 khóa XI tập trung thảo luận làm rõ là: kinh tế vĩ mô ổn định đến đâu, liệu có còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại? Tính thanh khoản và độ an toàn hệ thống ngân hàng như thế nào? Tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo giữa các ngân hàng, “thừa tiền, thiếu vốn” được xử lý ra sao? Kết quả những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt được ở mức nào?

Sau thời gian dài chuẩn bị, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã được thành lập. Công ty này được ví như một bệnh viện xử lý những ca nợ xấu. Điều đáng mừng là, sau khi chọn ra 3 đối tượng gồm các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng cần tái cơ cấu và các đơn vị có nợ xấu trên 3% của tổng dư nợ, VAMC đã chính thức ký kết với 11 khách hàng có giá trị khoản nợ ghi sổ là 3.600 tỷ đồng. Ngoài ra, một số ngân hàng lớn cũng sẽ bán nợ cho VAMC trong thời gian tới. Điều này cho thấy, VAMC xử lý nợ xấu để giúp tài sản của ngân hàng, khách hàng tốt lên chứ không có chuyện tài sản bị thâu tóm với giá rẻ, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng nhận thấy việc bán nợ là tốt cho chính họ và cho nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Hội đồng VAMC khẳng định, không phải công ty mua nợ rồi để đấy hoặc bán tài sản đảm bảo, mà sau đó còn phải tiếp tục phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động. Từ nay đến cuối năm, VAMC hy vọng có thể mua được khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu. Bản thân khách hàng khi bán nợ xấu cũng được xem xét vay vốn tiếp, lãi suất được giảm, tài sản đảm bảo của họ không phải bán rẻ, tốt cho họ và cho cả thị trường. Ông Phó Chủ tịch nhấn mạnh, thông qua VAMC, tài sản của khách hàng nợ xấu có thể tốt hơn khi thị trường tốt lên, kinh tế khởi sắc, qua đó “phá băng” thị trường tín dụng. Như vậy, gánh nặng nợ xấu đã có dấu hiệu giảm bớt, riêng tình trạng sở hữu chéo chằng chịt vẫn còn rất rắc rối, khó gỡ giữa doanh nghiệp và ngân hàng, trong đó doanh nghiệp sở hữu cổ phần của ngân hàng hoặc ngân hàng sở hữu cổ phần của doanh nghiệp; và các ngân hàng nắm cổ phần của nhau. Trên Diễn đàn Kinh tế mùa thu, một số chuyên gia kinh tế, ngân hàng đã “giải phẫu” và lên tiếng cảnh báo về hệ quả và tác hại của sở hữu chéo giữa doanh nghiệp và ngân hàng là nguy cơ tạo ra các khoản vay rủi ro và sử dụng vốn kém hiệu quả từ phía doanh nghiệp. Đây là mầm mống dẫn đến nợ xấu lớn và thường được che đậy trong hệ thống ngân hàng. 

Lo ngại lớn nhất về tác hại sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng là rủi ro lớn khiến ngân hàng mất thanh khoản. Khi điều này xảy ra, chúng sẽ kéo theo một loạt các tổ chức tín dụng khác bị “đóng băng” thanh khoản. Rõ ràng là, nếu không cắt đứt “sợi dây” sở hữu chéo thì vẫn còn mầm mống của nợ xấu.