“Cắt cơn” đầu tư công

ANTĐ - Trong tháng 11 và 11 tháng của năm 2011, nền kinh tế nước ta vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá, đặc biệt xuất nhập khẩu có những tín hiệu khả quan. Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,39%, tuy có cao hơn con số 0,36% của tháng 10, song tốc độ trượt giá vẫn giữ ở mức thấp so với 9 tháng của năm 2011 cũng như so với hai năm 2009-2010. Đó là số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, cho thấy nền kinh tế đang sáng dần, đặc biệt là nhập siêu trong 11 tháng qua là 8,9 tỷ USD bằng 10,2% tổng số kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ. Đây là mức nhập siêu khá thấp nếu so với các năm từ 2007 đến nay.

Giảm phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, huy động tối đa nguồn lực trong nước được coi là “liều thuốc bổ” để vực dậy cũng như tăng mức đề kháng cho nền kinh tế trước những cơn “trái gió trở trời”. Cho đến nay, GDP của nước ta luôn được coi là chỉ số đo lường kết quả (và thành tích) kinh tế quan trọng nhất của các tỉnh thành cũng như cả nước.

Tuy nhiên, theo phân tích của một chuyên gia Chương trình giảng dạy kinh tế Fubright, bản thân số liệu GDP hiện đang thiếu nhất quán, thậm chí là nghịch lý. Điều mà ít người để ý là hầu hết các địa phương đều tăng trưởng GDP cao hơn mức trung bình của cả nước. Khi tổng hợp số liệu GDP do cục Thống kê của các tỉnh, thành công bố thì tốc độ tăng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2000-2008 là 10,8%, trong khi theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê thì con số này chỉ là 7,7%. Đây được coi là hiện tượng “lạm phát GDP”. Nghịch lý thứ hai là, đóng góp vào tăng trưởng GDP của 20% số tỉnh lớn hơn của cả nước. Nếu căn cứ vào số liệu thống kê của các địa phương thì trong 3 năm 2008-2010, chỉ tính riêng 11 tỉnh, thành dẫn đầu thành tích tăng trưởng GDP đã đóng góp tới trên 100% cho tăng trưởng GDP của cả nước. Thậm chí trong năm 2010 tỷ lệ “đóng góp” này đã lên tới 121%, thật là “phi thường”!

Theo đánh giá của vị chuyên gia này nghịch lý về GDP ảo là lạm phát GDP đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Nghịch lý đáng lo ngại là hầu hết các cơ quan thống kê và hoạch định chính sách đều nhìn thấy rất rõ thực trạng này nhưng không hề sửa sai, trong đó có hai nguyên nhân chính. Đó là “bệnh thành tích GDP” đã trở thành mãn tính và sự hạn chế về năng lực thống kê. Thực tế còn cho thấy thậm chí ở cấp huyện, khi báo cáo tổng kết thành tích phát triển kinh tế cũng đề cập tới tăng trưởng GDP của huyện, chỉ thiếu GDP của cấp xã, phường. Dưới con mắt của giới chuyên gia kinh tế, khi tốc độ (chứ không phải chất lượng) tăng trưởng GDP được địa phương sử dụng như một thước đo chuẩn xác nhất cho thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, thì đương nhiên mỗi địa phương đều phải tìm mọi cách để tăng tốc độ GDP và chạy theo các lợi ích cục bộ.

Trong số 50/63 tỉnh, thành không thể tự chủ được ngân sách, chỉ còn một cách duy nhất là xin đầu tư từ Trung ương rót xuống. Vì không có cơ chế điều hành phối hợp hiệu quả giữa các địa phương cho nên mạnh ai nấy “xin” Trung ương, mạnh ai nấy đầu tư. Theo cách thức này, vô hình trung địa giới hành chính biến thành “biên giới” kinh tế. Hệ lụy là nền kinh tế quốc gia bị “chia cắt” thành 63 mảnh kinh tế nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành được các chuyên gia ví như “liều thuốc” mạnh để “cắt cơn” đầu tư công dàn trải nhưng kém hiệu quả.

Trong lần gặp gỡ lãnh đạo các đơn vị địa phương để phổ biến Chỉ thị 1792 về quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư khẳng định, những người ký quyết định những dự án không xác định rõ nguồn vốn thì phải chịu trách nhiệm; những dự án không cân đối được vốn thì phải giãn và hoãn tiến độ cho đến sau năm 2015.