Cấp thẻ căn cước phải tránh phiền hà cho dân

ANTĐ - Góp ý kiến vào Dự thảo Luật Căn cước công dân trong buổi thảo luận ở tổ sáng 9-6, Đại biểu Nguyễn Đức Chung - Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội kiến nghị, cần đưa nhóm máu của công dân vào thông tin trên thẻ căn cước.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, Hà Nội đang thực hiện dự án thí điểm cấp chứng mình nhân dân (CMND) 12 số. Như vậy, nếu Luật căn cước công dân có hiệu lực thi hành thì mỗi công dân Việt Nam sẽ có 3 loại giấy tờ, đó là CMND 9 số (cũ), CMND 12 số và thẻ căn cước công dân (CCCD). Chưa kể một số dự án đang áp dụng hiện nay cũng chưa sử dụng được do phần mềm của nước ngoài không thể kết nối, tương thích với bất cứ phần mềm nào đang sử dụng ở Việt Nam. Trong khi đó, dự tính đến năm 2020 - 2022, mới có thể hoàn tất cho mọi đối tượng người dân trên cả nước. Do vậy, nếu làm tiếp CCCD sẽ rất tốn kém.

“Cần xem xét tác động của dự án Luật này đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, trên cơ sở đó có kế hoạch triển khai hiệu quả, tránh gây phiền hà cho người dân”- Đại biểu Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Đức Chung- Thiếu tướng, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại buổi thảo luận tổ

Về những thông tin cá nhân trên thẻ căn cước, Đại biểu Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc đưa nhóm máu của công dân vào thông tin trên thẻ căn cước là điều rất cần thiết. “Hiện nay, trên các trục đường cao tốc, chúng ta đang triển khai các dự án cấp cứu nhanh và có các trạm cấp cứu tại đây. Tuy nhiên, trên xe không có phương tiện giám định mẫu máu, nên nếu đưa thông tin nhóm máu của cá nhân vào thẻ căn cước công dân sẽ giúp đơn vị cấp cứu dễ dàng xác định nhóm máu, thực hiện truyền máu ngay, đảm bảo tính mạng cho công dân. Điều này phục vụ sự tiện ích không chỉ cho chính cá nhân đó mà còn cho cả xã hội” – Đại biểu Nguyễn Đức Chung nói.

Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước cho công dân từ khi sinh ra cũng tạo bước tiến mới trong công tác quản lý Nhà nước về dân cư, đó là quản lý công dân ngay từ khi công dân mới sinh ra. Cụ thể, ngay từ lúc sinh ra, mỗi công dân sẽ được cấp số định danh và cập nhật những thông tin cần có vào cơ sở dữ liệu. Điều này mang lại nhiều tiện ích như theo dõi và cập nhập chính xác công dân đó khi nào đến tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự, tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng, có thuộc nhóm đối tượng hưởng trợ cấp hay không...

Đại biểu Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để dự án cấp thẻ căn cước thực hiện một cách có bài bản và thống nhất, những cán bộ tham gia vào dự án chương trình phải tự nâng cao trình độ tin học về cập nhập và quản lý dữ liệu dân cư. Hiện nay, quy định về chia sẻ dữ liệu thông tin được quy định trong luật còn liên quan đến nhiều thủ tục hành chính rườm rà. Do vậy, khi dữ liệu dân cư đã được tin học hoá trên hệ thống máy tính, việc phân cấp, định danh mã số đối với từng loại dữ liệu cần được làm ngay trên phầm mềm. Điều này giúp việc quản lý và bảo mật thông tin dân cư một cách có hệ thống.

Trước câu hỏi có nên thay đổi tên gọi CMDN hay không, Đại biểu Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc thay đổi tên gọi sẽ gây xáo trộn và mâu thuẫn giữa các giấy tờ của công dân vì hầu hết các giấy tờ có liên quan đến thủ tục hành chính của công dân đều có ghi “CMND”. Đồng thời, nếu đổi tên CMND thành thẻ căn cước thì phải đổi lại rất nhiều các loại giấy tờ, biểu mẫu đã có in chữ CMND, gây tốn kém không cần thiết.

Góp ý vào dự luật, Đại biểu Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, về lâu dài, cấp CCCD là cần thiết nhưng cần có lộ trình phù hợp, tránh chồng chéo. Tiêu chí quan trọng trong việc thay thế cái mới là phải tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người dân. “CMND gắn với rất nhiều loại giấy tờ như hộ chiếu, hộ khẩu, nhà đất, sổ tiết kiệm... Nói là đơn giản hoá thủ tục hành chính nhưng thử hình dung nếu CCCD ra đời mà cái cũ không có phương án khắc phục thì liệu có đơn giản được không”- Bí thư Thành ủy nói.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Việc cấp căn cước phải tạo thuận lợi hơn cho người dân

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng cho rằng, không nên “tham” đưa thông tin vào các loại giấy tờ vì mỗi loại giấy tờ chỉ có giá trị đối với một công việc cần thiết. CMND hay CCCD nên đưa những thông tin cần thiết để phục vụ những công việc chung. Hơn nữa, giá trị lớn nhất của CCCD đó là chứng minh duy nhất một điều “tôi là ai”, chứ không có giá trị hoặc chứng minh cá nhân đó trong những lĩnh vực khác. Trong khi thực tế là CMND 12 số mới đang làm, nếu dùng CCCD thay cho CMND 9 và 12 số sẽ gây chồng chéo, lãng phí. “Không nên bắt cả trăm triệu người phải làm một việc mà chỉ một bộ phận hẹp phải làm, như vậy vừa phiền hà, tốn kém, vừa làm khó mình, làm khó cho người dân”- Bí thư Thành ủy nhận xét.