Cấp phúc thẩm tiếp tục ra phán quyết về vụ kiện của Tập đoàn FLC

ANTD.VN - Ngày 15-5, TAND TP Hà Nội tiến hành phiên xử phúc thẩm vụ Tập đoàn FLC kiện Báo Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí Giáo dục Việt Nam). Phiên tòa được mở do có kháng cáo không đồng tình với phán quyết ở cấp sơ thẩm của bị đơn.

Theo đó, sau nửa ngày mở tòa, HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC; buộc Tạp chí Giáo dục Việt Nam (GDVN) phải gỡ bài, xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và không chấp nhận kháng cáo của bị đơn – Tạp chí GDVN.

HĐXX phúc thẩm cũng giữ nguyên mức bồi thường 14,9 triệu đồng mà bản án sơ thẩm đã tuyên, do danh dự của Tập đoàn FLC bị xâm hại. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm bổ sung, buộc Tạp chí GDVN phải trả lãi theo quy định đối với khoản tiền này nếu chậm thanh toán cho nguyên đơn.

Phiên tòa phúc thẩm, vụ Tập đoàn FLC kiện Báo GDVN

Nhận định về vụ kiện, cấp phúc thẩm nhìn nhận, ngày 1-10-2018, Báo GDVN đã đăng tải bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng". Tờ báo điện tử này đăng tải bài viết không liên quan đến tôn chỉ, mục đích.

Cũng theo tòa phúc thẩm, tại văn bản số 669 ngày 30-5-2019 của Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông) cho rằng, thông tin đăng tải trên tạp chí từ 1-7 đến 31-8-2018 liên quan đến Tập đoàn FLC, Cục đã ban hành văn bản 290 xử phạt Báo GDVN vì không tuân chỉ mục đích, tôn chỉ.

Trước đó, bản án sơ thẩm ngày 30-9-2019 của TAND quận Cầu Giấy xác định, hợp đồng kinh tế giữa Công ty Hòa Bình và Tập đoàn FLC (hợp đồng số 57 và số 18) đều quy định rõ phương thức thanh toán. Vì vậy, ở hai hợp đồng này, cả hai bên đều có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện.

Thực tế cuối tháng 7-2018, hai bên chưa thống nhất được với nhau về khoản nợ cho các công trình mà Công ty Hòa Bình thực hiện. Lẽ ra doanh nghiệp cần đề nghị trọng tài thương mại giải quyết, thay vì gửi đơn kêu cứu tới cơ quan báo chí. Việc này là không đúng.

Bản án sơ thẩm đánh giá, Công ty Hòa Bình và Tập đoàn FLC đang thảo luận để đi đến thống nhất khác chi phí. Tuy nhiên, ngày 1-10-2018, Báo GDVN lại đăng tải bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng".

Trong đó có nội dung: "Tập đoàn FLC còn nợ vốn gốc của Công ty Hòa Bình là 213 tỉ đồng Việt Nam" và bài viết "Mặc dù Công ty Hòa Bình đã gửi tới 13 công văn yêu cầu Tập đoàn FLC giải quyết thanh toán công nợ nhưng đến nay FLC vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền".