Cặp đôi thi sĩ và cuộc tình huyền thoại

ANTĐ - Tính đến nay là vừa trọn 5 năm, kỷ niệm ngày mất của nhà thơ Mộng Tuyết, một người con của xứ sở huyền ảo Hà Tiên, nơi cực tây của miền Nam nước ta. Khi nói đến Mộng Tuyết, nàng thơ đã từng được Giải thưởng Tự lực Văn đoàn, năm 1939, là nhớ đến những áng thơ đẹp đến xao xuyến lòng người. 

Thi sĩ Mộng Tuyết - Đông Hồ 

Cứ nhắc đến Mộng Tuyết, người đọc không thể quên những chùm thơ mang tiêu đề “Tương tư” về nỗi lòng thầm kín của cô bé ở tuổi lên 10, viết cho người mình yêu. Và đó cũng là chùm thơ mở đầu cho một cuộc tình dài đằng đẵng, hơn nửa thế kỷ đầy thăng trầm giữa Mộng Tuyết và nhà thơ nổi tiếng Đông Hồ. Có thể nói mối tình của hai nhà thơ nơi biển trời đầy chim yến này quả là câu chuyện cổ tích trong làng văn Việt Nam…

Khi ấy vào tuổi còn ngơ ngác, mơ mộng với hoa sen, hoa súng và bướm bay chập chờn trên mặt hồ trước cửa nhà thì cô bé Úc (Thái Thị Úc, tên “cúng cơm” của nữ sĩ Mộng Tuyết) bất ngờ thấy một chàng trai mảnh dẻ, dong dỏng cao trong bộ vét trắng đi thơ thẩn bên hồ. Gương mặt thanh tú, trắng trẻo với đôi mắt hiền dịu pha chút trầm tư đã làm Úc giật mình vội trốn sau cánh cửa. Trái tim cô đập rộn ràng và hai má nóng bừng bừng. Có điều gì đó lạ lùng lắm, lần đầu tiên cô bé cảm thấy tâm hồn mình trào dâng. Từ đó những vần thơ mang nỗi tương tư bâng khuâng mách bảo. Rồi lại đến một lần, chàng trai ấy xuất hiện như từ hồ sen bay lên, với ánh mắt rạng rỡ và trong tay chàng là một bông sen hồng thắm với cọng sen dài bằng cả đầu người.

Cứ thế chàng đi chậm rãi cùng với cành sen như trôi trên con đường nhỏ. Úc đi theo cái bóng ấy mờ ảo trong sương chiều dần buông. Rồi chàng biến mất, trong bóng chiều chạng vạng cùng những đàn chim yến bay rợp trời. Tiếng chim yến reo gọi trong gió biển; âm vang như một bản tình ca sau một ngày kiếm ăn hối hả. 

Sau này, cô bé Úc mới hay chàng trai đó là thầy giáo, đồng thời là một nhà thơ có bút danh Đông Hồ, từ Sài Gòn mới về quê dạy học. Nhà thơ phải về nhà để làm đám cưới (chạy tang), theo yêu cầu của dòng họ. Cô dâu là một cô gái xinh đẹp của xứ sở này, có cái tên rất đẹp Linh Phượng. Cô bé Úc biết điều đó sau khi được một thầy giáo cũ giới thiệu đến học thêm tiếng Việt tại nhà thầy Đông Hồ. 

Cho dù thầy giáo đã có vợ, nhưng tình yêu thầm kín đơn phương của nàng Úc nhỏ bé vẫn nồng nàn, cháy bỏng. Liên tục những bài thơ “Tương tư” ra đời. Nàng cất giấu chúng như báu vật chỉ thầm đọc trong đêm và nhìn về núi Tô Châu ngoài biển, phía nhà thầy, với những vì sao lấp lánh trên bầu trời và gió thổi lộng từ phía khơi xa.  

Hằng ngày Úc cắp sách đến học, với bao nỗi niềm xao xuyến giữ kín trong lòng. Rồi cho đến một ngày, bất ngờ cô Linh Phượng đổ bệnh và yên giấc ngàn thu trong nỗi sầu muộn vô bờ của thầy Đông Hồ. Cô bé Úc cũng đau với nỗi đau vô thường ấy; và chỉ biết giúp đỡ thầy trong công việc gia đình như trông em bé và coi nhà… Rồi đến ngày cô thi đỗ bằng sơ học Pháp Việt, nhưng vì không muốn đi xa, nên cô ở lại nhà và vẫn xin học thêm lớp tiếng Việt ở nhà thầy Đông Hồ. Với trí thông minh rành rẽ ngoại ngữ và tiếng Việt, nên Úc được thầy Đông Hồ nhờ chép các bản thảo để gửi đăng các báo khắp hai miền Nam Bắc. Từ đó, Đông Hồ bắt đầu dạy cô làm thơ. Đó là bài thơ viết về cảnh hồ sen sau cơn mưa, do thầy giao đề tài, vì biết cô học trò của mình rất yêu hồ sen ngay trước cửa nhà. Có lẽ bút danh Mộng Tuyết xuất hiện từ bài thơ đầu tiên này chăng?  

Rồi chẳng bao lâu sau, cô bé Úc, bây giờ là nàng Mộng Tuyết đã ở tuổi 15, bất ngờ khi thấy người đại diện dòng họ của thầy đến tận nhà để hỏi xin chị thứ năm của mình, tên là Nhàn Liên về làm dâu. Vậy là thêm một lần, nỗi tơ vương trong lòng lại vẫn là tình trong mộng của cô bé bên hồ sen ngày nào. Thầy giáo Đông Hồ trở thành anh rể của nàng thơ Mộng Tuyết đầy lãng mạn.

Trời như cứ giáng họa xuống nhà thơ Đông Hồ vậy, vì chỉ mấy năm sau, người chị gái của Mộng Tuyết lại yểu mệnh khuất núi, để lại một con gái bé bỏng. Từ đó, Mộng Tuyết thay chị chăm sóc gia đình Đông Hồ như mệnh trời định vậy. Cô bé mơ mộng ngày nào, giờ đã là một người đẹp 20 tuổi, nổi tiếng như cồn trong cái thị trấn nhỏ ở miệt biển tận cùng đất nước này. Một thập kỷ tương tư mơ mộng kéo dài đến tuyệt vọng, tưởng như không có ngày hợp định.  

Hạnh phúc đã đến cho cả hai thầy trò, giờ đã trở thành đôi uyên ương song hợp tài sắc. Mối tình thơ có một không hai đã làm nên những câu chuyện làm say đắm lòng người trong bầu trời thơ ca nước nhà. Ai cũng nhớ đến phần thưởng quý giá và hiếm hoi trong làng thơ Việt Nam, Mộng Tuyết với tập “Phấn hương rừng” được Tự lực Văn đoàn trao tặng, năm 1939. Khi ấy nhà thơ vừa tròn 25 tuổi. Cũng từ đó sự nghiệp hoạt động báo chí và sáng tác của bà ngày càng sôi nổi và đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Tình yêu của Mộng Tuyết và Đông Hồ trở thành huyền thoại, trong suốt nửa thể kỷ.  

Nhưng điều sâu sắc hơn nữa là, sau khi nhà thơ Đông Hồ mất vào năm 1969, nữ sĩ Mộng Tuyết vẫn tiếp tục sống với tình yêu của mình với chồng. Bà đã thờ phụng khói hương, một thân một mình thầm lặng suốt gần 40 năm sau đó, tại Hà Tiên cho đến khi mất năm 2007, thọ 93 tuổi. 

Về mối tình này, nhà thơ Cù Huy Cận đã từng viết sau khi đến thăm Đông Hồ kỷ niệm đường, rằng:

“Trăm năm đằm thắm dòng thơ Việt Mộng Tuyết, Đông Hồ quý hiếm thay…”.